Rủi ro kiểm toán cần phải được kiểm toán viên cân nhắc kỹ lưỡng trong quá trình kiểm toán báo cáo tài chính. Vậy làm thế nào để quản lý tốt những rủi ro khi tiến hành hoạt động kiểm toán? Cùng MAN – Master Accounting Network tìm hiểu vấn đề này trong bài viết dưới đây nhé.
Giới thiệu về kiểm toán và tầm quan trọng của việc kiểm toán
Kiểm toán là gì?
Kiểm toán là hoạt động thu thập, đánh giá các bằng chứng về các thông tin tài chính được bộ phận kế toán cung cấp, từ đó giúp kiểm tra, xác minh mức độ tin cậy, tính trung thực của các báo cáo tài chính doanh nghiệp, xác định mức độ phù hợp giữa các thông tin được nêu trong BCTC và những chuẩn mực được thiết lập. Kết quả kiểm toán sẽ là căn cứ phản ánh chính xác tình hình kinh tế – tài chính của doanh nghiệp.
Tầm quan trọng của việc kiểm toán
- Giúp lành mạnh hóa hoạt động kế toán – tài chính và hướng dẫn nghiệp vụ: Nhờ có kiểm toán mà doanh nghiệp có thể xác định được mức độ tin cậy của các sổ sách kế toán, chứng từ, hóa đơn và tính đúng đắn của các giao dịch. Kiểm toán viên (KTV) không chỉ đưa ra đánh giá, kết luận mà còn đề xuất các giải pháp hợp lý để sử dụng có hiệu quả nguồn tài chính của doanh nghiệp.
- Góp phần cải thiện hiệu quả quản lý: Kiểm toán có vai trò xác minh tính chính xác của bảng cân đối kế toán được cung cấp bởi bộ phận kế toán. Dựa trên các kết quả kiểm toán mà ban lãnh đạo có thể nhận diện được những điểm mạnh – yếu của doanh nghiệp mình, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý của mình và quản lý chặt chẽ hoạt động thu chi trong doanh nghiệp.
- Tạo niềm tin đối với những người quan tâm đến tình hình tài chính doanh nghiệp: Việc kiểm toán BCTC và các thông tin tài chính mà doanh nghiệp công bố được thực hiện bởi các cơ quan Nhà nước hoặc bên thứ ba có tính khách quan cao. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp tạo niềm tin trong mắt các khách hàng, đối tác và những người quan tâm đến tài chính của doanh nghiệp.
Rủi ro kiểm toán là như thế nào?
Khái niệm rủi ro kiểm toán
Định nghĩa về rủi ro kiểm toán (Audit Risk) đã được nêu rõ trong Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 200: “Là rủi ro do kiểm toán viên đưa ra ý kiến không phù hợp khi báo cáo tài chính còn có những sai sót trọng yếu”.
Như vậy có thể khẳng định rủi ro kiểm toán chính là hệ quả bắt nguồn từ rủi ro phát hiện và rủi ro có sai sót trọng yếu (gồm có rủi ro kiểm soát và rủi ro tiềm tàng). Rủi ro kiểm toán nảy sinh khi BCTC có những sai lệch tiềm ẩn không thể được phát hiện bởi các thử nghiệm cơ bản của kiểm toán viên cũng như hệ thống kiểm soát nội bộ.
Ví dụ: Khi kiểm toán BCTC của doanh nghiệp A, kiểm toán viên đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần kết luận rằng báo cáo đó là hợp lý và chính xác do không tìm ra bất cứ sai sót nào. Tuy nhiên trên thực tế BCTC đó vẫn tồn tại những sai phạm chưa được phát hiện. Đây chính là rủi ro kiểm toán.
Truy cập wikipedia để hiểu hơn về rủi ro là gì
Tại sao cần đánh giá rủi ro kiểm toán trước khi thực hiện kiểm toán?
Kiểm toán viên phải thận trọng trong việc đưa ra quyết định có nên tiếp nhận yêu cầu kiểm toán của khách hàng không, bởi khi tiến hành kiểm toán thì kiểm toán viên cũng phải chịu trách nhiệm về mặt pháp lý. Vì vậy kiểm toán viên luôn phải đánh giá rủi ro trong kiểm toán trước khi thực hiện việc kiểm toán.
Đánh giá rủi ro được hiểu là việc kiểm toán viên cũng như công ty kiểm toán đánh giá những yếu tố rủi ro, dự đoán các nguy cơ xảy ra sai sót, thiệt hại đối với hoạt động kinh doanh của công ty kiểm toán. Đánh giá rủi ro thường nghiêng nhiều hơn về tính xét đoán chuyên môn thay vì đo lường chính xác.
Thông qua đánh giá rủi ro, kiểm toán viên sẽ đưa ra nhận định chính xác hơn về các rủi ro kiểm toán của doanh nghiệp mình tiếp nhận. Từ đó hạn chế tối đa nguy cơ đưa ra những ý kiến đánh giá sai lệch có thể làm ảnh hưởng đến uy tín của KTV và CTKT.
Các loại rủi ro trong kiểm toán và ví dụ thực tế
Các loại rủi ro trong kiểm toán được chia thành 3 nhóm đó là rủi ro tiềm tàng, rủi ro kiểm soát và rủi ro phát hiện.
Rủi ro tiềm tàng
Vậy rủi ro tiềm tàng là gì? Cũng theo VSA 200: ““Rủi ro tiềm tàng là khả năng cơ sở dẫn liệu của một nhóm giao dịch, số dư tài khoản hay những thông tin thuyết minh có thể chứa đựng sai sót trọng yếu, khi xét riêng rẽ hay tổng hợp lại, trước khi xem xét đến bất kỳ kiểm soát nào có liên quan”.
Như vậy có thể thấy rủi ro tiềm tàng thường bắt nguồn từ nội bộ doanh nghiệp. Ví dụ về rủi ro tiềm tàng trong kiểm toán có thể là:
- Tỉ lệ sai sót khi thực hiện các tính toán phức tạp cao hơn so với các tính toán đơn giản.
- Một số khoản mục tiền phải đối mặt với nguy cơ mất cắp nhiều hơn những khoản mục khác.
- Các giá trị nảy sinh từ những ước tính kế toán phải đối mặt với nguy cơ sai phạm cao hơn các nghiệp vụ thông thường…
Mặc dù vậy trong một số trường hợp, các rủi ro tiềm tàng cũng có thể bị tác động bởi những nhân tố bên ngoài. Chẳng hạn như: Một số sản phẩm trở nên lỗi thời do công nghệ phát triển nhanh chóng, dẫn đến tình trạng ghi nhận khống hàng tồn kho trên BCTC của doanh nghiệp.
Các rủi ro tiềm tàng của mỗi doanh nghiệp là khác nhau tùy theo điều kiện kinh doanh, bản chất lĩnh vực hoạt động và một số yếu tố khác. KTV không thể tác động vào những rủi ro này mà chỉ có thể đưa ra đánh giá. Việc đánh giá các rủi ro tiềm tàng cần được thực hiện trong giai đoạn lập kế hoạch và cập nhật liên tục xuyên suốt quá trình kiểm toán.
Rủi ro kiểm soát
Theo giải thích của VSA 200: “Rủi ro kiểm soát là rủi ro xảy ra sai sót trọng yếu trong từng nghiệp vụ, khi xét riêng lẻ hay tổng hợp lại, đối với cơ sở dẫn liệu của một nhóm giao dịch, số dư tài khoản hay thông tin thuyết minh mà kiểm soát nội bộ của đơn vị không thể ngăn chặn hoặc không phát hiện và sửa chữa kịp thời”.
Kiểm soát được hiểu là hoạt động thiết kế, vận hành và duy trì kiểm soát nội bộ của Ban lãnh đạo doanh nghiệp để giảm thiểu các nguy cơ có thể khiến cho đơn vị không hoàn thành mục tiêu đề ra. Trên thực tế, mọi HTKSNB đều có nhược điểm riêng và đây cũng chính là những rủi ro kiểm soát.
KTV cũng không được phép tác động mà chỉ được đánh giá rủi ro trong kiểm soát nội bộ và đưa ra nhận xét về mức độ ảnh hưởng của những rủi ro này tới BCTC. Từ đó xây dựng nội dung, lên lịch trình và xác định phạm vi các thử nghiệm cơ bản.
Rủi ro phát hiện
Nhiều người băn khoăn khái niệm rủi ro phát hiện là gì. Rủi ro phát hiện được VSA 200 định nghĩa như sau: “Là rủi ro xảy ra sai sót trọng yếu trong từng nghiệp vụ, từng khoản mục trong báo cáo tài chính khi tính riêng rẽ hoặc tính gộp mà trong quá trình kiểm toán, kiểm toán viên và công ty kiểm toán không phát hiện được.”
Với mức rủi ro trong kiểm toán được xác định trước thì mức độ rủi ro phát hiện được chấp thuận tỉ lệ nghịch với rủi ro có sai sót trọng yếu ở cấp độ cơ sở dẫn liệu.
Mối quan hệ giữa các loại rủi ro kiểm toán
Các loại rủi ro trong kiểm toán nói trên có mối quan hệ qua lại với nhau theo công thức:
AR = IR x CR x DR
Trong đó mô hình rủi ro kiểm toán này:
- AR là Rủi ro kiểm toán.
- IR là Rủi ro tiềm tàng.
- CR là Rủi ro kiểm soát.
- DR là Rủi ro phát hiện.
Theo công thức trên, có thể kết luận rằng: Rủi ro phát hiện sẽ tỉ lệ nghịch với rủi ro kiểm soát và rủi ro tiềm tàng. Khi rủi ro kiểm soát và rủi ro tiềm tàng ở mức cao thì mức độ rủi ro phát hiện sẽ thấp đi, từ đó giảm thiểu rủi ro kiểm toán xuống cấp độ thấp nhất có thể chấp nhận được. Ngược lại, khi rủi ro kiểm soát và rủi ro tiềm tàng được đánh giá ở mức thấp thì mức độ rủi ro phát hiện sẽ cao hơn, tuy nhiên vẫn phải duy trì rủi ro kiểm toán ở cấp độ chấp nhận được.
Mô hình tiếp cận kiểm toán dựa trên các yếu tố rủi ro
Nhìn chung có 2 mô hình tiếp cận kiểm toán dựa trên các yếu tố rủi ro được áp dụng phổ biến đó là:
Mô hình rủi ro tài chính
Mô hình này tiếp cận các rủi ro trong kiểm toán dựa trên những rủi ro về số liệu có trong BCTC. Để làm được điều hành, KTV phải nắm được tình hình tài chính – kinh doanh của doanh nghiệp, đánh giá mức độ ảnh hưởng của hệ thống kiểm soát nội đối với BCTC…
Mô hình rủi ro kinh doanh
Đây là mô hình được mở rộng và phát triển từ mô hình rủi ro tài chính. Theo đó, KTV sẽ đánh giá rủi ro kinh doanh của doanh nghiệp đặt trong hoàn cảnh cụ thể, ví dụ như ảnh hưởng của các quy định pháp luật, sự điều chỉnh trong chính sách kinh tế, tình hình kinh tế vĩ mô… Để đánh giá rủi ro kinh doanh của doanh nghiệp một cách chính xác, KTV cần ứng dụng những mô hình hỗ trợ quản trị rủi ro, nắm được tình hình chung của lĩnh vực mà doanh nghiệp hoạt động, có hiểu biết về tình hình kinh tế vĩ mô…
Các biện pháp để giảm thiểu rủi ro trong kiểm toán
- Đánh giá kỹ lưỡng các rủi ro có thể xảy ra trong kiểm toán dựa trên kỳ vọng của người sử dụng BCTC và khả năng doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với khó khăn tài chính sau khi công bố báo cáo kiểm toán.
- Các CTKT cần tuân thủ nghiêm những quy định của pháp luật và chuẩn mực chuyên môn, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, thực hiện đầy đủ quy trình kiểm toán.
- Liên tục cập nhật quy trình kiểm toán dựa trên các chuẩn mực mới, tổ chức các buổi đào tạo nội bộ để nâng cao năng lực đánh giá, đối phó với các rủi ro trong kiểm toán.
- Đánh giá kỹ lưỡng rủi ro phát sinh khi chấp nhận hợp đồng kiểm toán.
- Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đánh giá, ứng phó với các rủi ro kiểm toán.
Có thể thấy rủi ro kiểm toán là yếu tố luôn luôn tồn tại trong mỗi cuộc kiểm toán. Chính vì vậy kiểm toán viên cần áp dụng các biện pháp linh hoạt, dựa trên mối quan hệ của các rủi ro để giảm thiểu chúng một cách phù hợp, từ đó đảm bảo chất lượng của hoạt động kiểm toán. Nếu có thắc mắc hãy liên hệ MAN – Master Accounting Network – là một trong top công ty kiểm toán hàng đầu để được hỗ trợ nhanh nhất.
Xem thêm: Thủ tục kiểm toán: Định nghĩa, các thủ tục, những điều cần biết
Ban biên tập: MAN – Master Accounting Network
Nội dung liên quan
Chuyển giá Tin tức
Chuyển giá Tin tức
Tin tức Chuyển giá
Tin tức Báo cáo Thuế
Tin tức Báo cáo Thuế
Tin tức Báo cáo Thuế