Là một công việc đòi hỏi trình độ chuyên môn cao và phải được đào tạo bài bản. Cùng với sự gia tăng tầm quan trọng của hoạt động kiểm toán, ngành nghề kiểm toán cũng ngày càng phát triển và mang lại cơ hội công việc rộng mở. Hãy cùng MAN top công ty kiểm toán tìm hiểu cụ thể kiểm toán viên là gì và những quy định pháp luật liên quan đến nghề nghiệp này nhé.

Khái niệm

Kiểm toán viên là gì?

Kiểm toán viên (tiếng Anh gọi là “Auditor”) là người được pháp luật Việt Nam công nhận và cấp chứng chỉ hành nghề kiểm toán viên, hoặc người đã đỗ kỳ thi sát hạch luật pháp Việt Nam và có chứng chỉ kiểm toán viên cấp ở nước ngoài thuộc diện được Bộ Tài chính công nhận. Cũng có thể hiểu kiểm toán viên là người kế toán viên được cấp chứng chỉ, giấy chứng nhận hành nghề kiểm toán và thực hiện các công việc như kiểm tra, rà soát báo cáo tài chính, các tài khoản của tổ chức, doanh nghiệp, công ty và lập báo cáo kiểm toán.

khái niệm kiểm toán viên
Là người được pháp luật Việt Nam công nhận và cấp chứng chỉ

Các khái niệm liên quan

  • Kiểm toán viên nhà nước: Là người công chức nhà nước được bổ nhiệm vào ngạch kiểm toán nhà nước bởi Tổng Kiểm toán nhà nước để đảm đương công việc kiểm toán (theo khoản 8 Điều 3 của Luật kiểm toán nhà nước năm 2015)
  • Kiểm toán viên độc lập: Là người được cấp chứng chỉ kiểm toán viên và làm việc cho các doanh nghiệp độc lập chuyên cung cấp dịch vụ kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán của nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.
  • Kiểm toán viên nội bộ: Là người kiểm toán viên thực hiện công việc kiểm toán trong phạm vi nội bộ của các tổ chức, doanh nghiệp, công ty. Hoạt động kiểm toán nội bộ được yêu cầu tiến hành bởi ban giám đốc, Ban Lãnh đạo hay Hội đồng Quản trị của công ty.
  • Kiểm toán viên hành nghề: Là người kiểm toán viên đã được pháp luật công nhận, cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán và đang hoạt động trong lĩnh vực kiểm toán.

Quy định pháp luật về tiêu chuẩn

Theo Điều 14 Luật Kiểm toán độc lập số 67/2011/QH12, người kiểm toán viên cần đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn sau đây:

Khoản 1 – Các tiêu chuẩn cần có

  1. Có đầy đủ năng lực hành vi dân sự.
  2. Có phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm với công việc, khách quan, trung thực và liêm khiết.
  3. Tốt nghiệp đại học trở lên trong các chuyên ngành như kiểm toán, kế toán, ngân hàng, tài chính hoặc những chuyên ngành khác được Bộ Tài chính quy định.
  4. Có Chứng chỉ kiểm toán viên hợp lệ theo Bộ Tài chính quy định.
các tiêu chuẩn đối với kiểm toán viên
Có một số tiêu chuẩn đặt ra đối với kiểm toán viên được pháp luật quy định

Khoản 2 – Trường hợp được công nhận là kiểm toán viên

Nếu có chứng chỉ nước ngoài thuộc diện Bộ Tài chính công nhận, đỗ kỳ thi sát hạch pháp luật Việt Nam bằng tiếng Việt và đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn tại điểm a, điểm b khoản 1 thì người đó cũng đủ điều kiện để được công nhận là kiểm toán viên. Có thể thấy, để trở thành không chỉ đòi hỏi các giấy tờ, chứng chỉ và trình độ chuyên môn đúng theo quy định. Người kiểm toán viên còn phải có phẩm chất đạo đức tốt, năng lực hành vi dân sự và tinh thần trách nhiệm cao đối với công việc mà mình đang làm.

Tìm hiểu thêm: Kiểm toán nhà nước là gì? Cẩm nang về kiểm toán nhà nước

Quy định pháp luật về đăng ký hành nghề kiểm toán viên

Căn cứ tại Điều 15 Luật Kiểm toán độc lập số 67/2011/QH12, có một số quy định chung về việc đăng ký hành nghề kiểm toán như sau:

  1. Là kiểm toán viên
  2. Đã có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực kiểm toán từ 36 tháng trở lên
  3. Tham gia chương trình cập nhật kiến thức đầy đủ
  4. Người đáp ứng đầy đủ các điều kiện thuộc khoản 1 sau khi đăng ký hành nghề kiểm toán sẽ được Bộ Tài chính cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán theo đúng quy định.
  5. Người yêu cầu cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán cần nộp đầy đủ lệ phí theo đúng quy định
  6. Chỉ khi người được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán ký kết hợp đồng lao động toàn thời gian cho doanh nghiệp kiểm toán hoặc chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài hoạt động tại Việt Nam thì Giấy chứng nhận mới có giá trị

Theo Điều 3, 4, 5 Thông tư 202/2012/TT-BTC, việc đăng ký hành nghề kiểm toán được quy định như sau:

Quy định pháp luật về đăng ký hành nghề kiểm toán viên
Điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán

Điều kiện có hợp đồng lao động

Kiểm toán viên được coi là có hợp đồng lao động toàn thời gian tại doanh nghiệp kiểm toán (DNKT) nếu:

  • Hợp đồng lao động giữa kiểm toán viên và DNKT phải đáp ứng đầy đủ các quy định trong Bộ Luật lao động
  • Phải có sự trùng khớp giữa thời gian làm việc của DNKT so với thời gian làm việc thực tế và thời gian làm việc trong hợp đồng lao động. Ví dụ: Nếu DNKT quy định thời gian làm việc 06 ngày/tuần từ 08h00 – 17h00 thì kiểm toán viên cũng phải làm đủ 06 ngày/tuần từ 08h00 – 17h00 (không tính ngày lễ, ngày nghỉ, thời gian làm thêm giờ)
  • Không đồng thời làm việc tại các tổ chức, đơn vị khác và đảm nhiệm những chức vụ như kiểm toán nội bộ, nhân viên kế toán, kế toán trưởng hoặc phụ trách kế toán, chủ tịch hội đồng thành viên, chủ tịch hội đồng quản trị, giám đốc hoặc tổng giám đốc, đại diện pháp luật hay các chức danh khác trong thời gian làm việc thực tế tại DNKT đã ký kết hợp đồng lao động

Thời gian thực tế làm kiểm toán

  • Thời gian thực tế làm kiểm toán được hiểu là khoảng thời gian làm công việc kiểm toán viên tại DNKT căn cứ trên hợp đồng lao động toàn thời gian.
  • Thời gian thực tế làm kiểm toán tính từ thời điểm được cấp bằng tốt nghiệp đại học đến khi nộp hồ sơ yêu cầu cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán (tính tròn tháng).

Thời gian thực tế làm kiểm toán hợp lệ phải có giấy xác nhận của người đại diện pháp luật hoặc người được ủy quyền bởi người đại diện pháp luật của DNKT – nơi làm việc thực tế. Nếu DNKT đã chuyển đổi hình thức sở hữu, hợp nhất, sáp nhập, chia tách, phá sản, giải thể… thì cần có giấy xác nhận của người đại diện pháp luật của DNKT theo đúng thời gian kiểm toán viên đã làm việc tại doanh nghiệp. Nếu người đại diện pháp luật của DNKT không còn làm việc trong ngành kiểm toán độc lập thì phải cung cấp kèm theo Bản giải trình cùng các tài liệu khác như bản sao hợp đồng lao động, bản sao sổ bảo hiểm xã hội… để chứng minh thời gian làm kiểm toán thực tế.

Hồ sơ đăng ký hành nghề

hồ sơ đăng kí hành nghề
Hồ sơ đăng ký hành nghề kiểm toán

Hồ sơ đăng ký hành nghề kiểm toán bao gồm các giấy tờ cụ thể sau đây:

  • Đơn xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán (theo mẫu đơn của Phụ lục số 01/ĐKHN được ban hành cùng với Thông tư 202/2012/TT-BTC)
  • Bản sao hợp đồng lao động toàn thời gian tại DNKT
  • Giấy xác nhận thời gian làm kiểm toán thực tế (theo mẫu tại Phụ lục số 04/ĐKHN được ban hành cùng với Thông tư này); hoặc các giấy tờ chứng minh thời gian làm kiểm toán thực tế; hoặc Bản giải trình kết hợp với giấy tờ chứng minh thời gian làm kiểm toán thực tế (ngoại trừ các trường hợp ngoại lệ tại Điều 16 Thông tư này)
  • Tờ khai thông tin cá nhân (mẫu tờ khai tại Phụ lục số 05/ĐKHN được ban hành cùng với Thông tư này)
  • Phiếu lý lịch tư pháp, được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền với thời hạn từ 6 tháng hoặc ít hơn (tính đến thời điểm nộp hồ sơ đăng ký hành nghề kiểm toán)
  • Chứng chỉ kiểm toán viên (bản sao)
  • Ảnh màu 3x4cm nền trắng (2 ảnh), được chụp trong thời gian từ 6 tháng hoặc ít hơn tính đến thời điểm hộp hồ sơ đăng ký hành nghề kiểm toán
  • Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động hoặc Quyết định thôi việc tại nơi làm việc trước DNKT (bản sao)
  • Với quốc tịch nước ngoài cần có Giấy phép lao động tại Việt Nam (bản sao), trừ trường hợp không cần giấy phép lao động theo quy định của Luật Lao động Việt Nam
  • Giấy tờ cung cấp thông tin về giờ cập nhật kiến thức của kiểm toán viên tại các tổ chức quốc tế về kiểm toán & kế toán (nếu yêu cầu giờ cập nhật kiến thức)

Trình tự đăng ký hành nghề

Kiểm toán viên cần lập 1 bộ hồ sơ (theo mẫu tại Điều 4 Thông tư 202/2012/TT-BTC) sau đó thông qua DNKT để gửi hồ sơ đến Bộ Tài Chính. Đối với các chứng chỉ, văn bằng tiếng nước ngoài cần đính kèm bản dịch tiếng Việt có công chứng, chứng thực. Phải chịu trách nhiệm về tính trung thực của các thông tin trong hồ sơ đăng ký hành nghề kiểm toán. DNKT và những cá nhân, tổ chức tham gia vào việc xác thực thông tin có trong hồ sơ cũng sẽ phải chịu trách nhiệm liên đới về tính chính xác của thông tin. Người đại diện pháp luật của DNKT cần rà soát, kiểm tra hồ sơ kỹ càng để đảm bảo đáp ứng đầy đủ các điều kiện đặt ra. Sau đó ký xác nhận vào Đơn đăng ký hành nghề kiểm toán của kiểm toán viên. DNKT đề nghị Bộ Tài chính cấp cho các kiểm toán viên hành nghề tại đơn vị mình Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán (theo mẫu tại Phục lục số 06/ĐKHN được ban hành cùng với Thông tư này).

Đồng thời đính kèm hồ sơ đăng ký hành nghề kiểm toán và gửi qua bưu điện hoặc gửi trực tiếp tới Bộ Tài chính. Khi hồ sơ đăng ký hành nghề có khúc mắc cần làm rõ, Bộ Tài chính có thể đề nghị DNKT hoặc giải trình hoặc bổ sung thêm tài liệu. Từ đó tiến hành đối chiếu, kiểm tra, xác thực các thông tin có trong hồ sơ. Nếu DNKT hoặc kiểm toán viên không cung cấp tài liệu hoặc tài liệu giải trình không đầy đủ thì Bộ Tài chính có thể từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán (có nêu rõ lý do bằng văn bản). Trong thời hạn 15 ngày (tính từ thời điểm nhận được hồ sơ đăng ký hợp lệ), Bộ Tài chính sẽ xem xét để tiến hành cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán. Lưu ý ngày hợp đồng lao động tại DNKT có hiệu lực không được muộn hơn ngày cấp Giấy chứng nhận.

trình tự đăng kí hành nghề
Người đại diện pháp luật của DNKT cần rà soát, kiểm tra hồ sơ kỹ càng để đảm bảo đáp ứng đầy đủ các điều kiện đặt ra

Những ai không được đăng ký hành nghề kiểm toán?

Theo Điều 16 của Luật Kiểm toán Độc lập, những trường hợp sau đây không được cấp đăng ký hành nghề kiểm toán:

  • Cán bộ, công chức, viên chức
  • Người bị cấm hành nghề kiểm toán căn cứ trên bản án đã có hiệu lực; người đang thuộc diện bị truy cứu trách nhiệm hình sự; người đã bị tuyên án về các tội liên quan đến kinh tế, kế toán, tài chính và chưa được xóa án; người đang bị xử lý hành chính giáo dục…
  • Người có tiền án về kinh tế ở mức nghiêm trọng trở lên
  • Người vi phạm pháp luật về quản lý kinh tế, kiểm toán, kế toán, tài chính và bị xử phạt vi phạm hành chính trong vòng 1 năm
  • Người bị đình chỉ hành nghề kiểm toán
Xem thêm: Kiểm toán hoạt động là gì? Cẩm nang toàn tập về kiểm toán hoạt động

Những công việc cần làm

Lập kế hoạch và xây dựng chương trình kiểm toán

Để công tác kiểm toán diễn ra trơn tru và suôn sẻ, trước hết kiểm toán viên cần xây dựng kế hoạch kiểm toán. Bản kế hoạch này sẽ đóng vai trò định hướng, là kim chỉ nam cho toàn bộ các công việc sau này. Kiểm toán viên cũng cần lên chương trình kiểm toán chi tiết để đảm bảo quá trình kiểm toán chính xác và chặt chẽ. Chương trình kiểm toán bao gồm việc xác định các nhiệm vụ cần làm, số lượng, thứ tự thực hiện các nhiệm vụ đó kể từ khi bắt đầu đến khi hoàn thành công tác kiểm toán.

Thu thập & phân tích các số liệu cần thiết

Thu thập thông tin là bước quan trọng để kiểm toán viên hình thành nên các bằng chứng kiểm toán. Để hoạt động thu thập thông tin đạt hiệu quả cao, có thể áp dụng các phương pháp khác nhau như kiểm toán cân đối, đối chiếu trực tiếp, đối chiếu logic, điều tra, thử nghiệm… Mọi thông tin, phát hiện, số liệu, sự kiện… đều phải được ghi chép và lưu trữ lại một cách đầy đủ.

Thu thập & phân tích các số liệu cần thiết
Thu thập & phân tích các số liệu cần thiết là một trong những công việc

Xác minh tính trung thực của báo cáo tài chính

Sau khi đã có được đầy đủ các bằng chứng khách quan, kiểm toán viên sẽ tiến hành kiểm tra, đối chiếu và xác minh tính chính xác, trung thực, mức độ tuân thủ pháp luật của báo cáo tài chính được cung cấp bởi đơn vị được kiểm toán.

Kết luận và báo cáo

Sau khi hoàn thành quá trình rà soát, đối chiếu, sẽ đưa ra đánh giá và kết luận kiểm toán. Các đánh giá, kết luận sẽ được kiểm toán viên tập hợp lại và trình bày dưới dạng báo cáo kiểm toán.

Tư vấn, tham mưu cho ban giám đốc

Kiểm toán viên cũng có nhiệm vụ tham mưu, tư vấn cho ban lãnh đạo về những hạn chế, sai sót, điểm mạnh, điểm yếu và đề xuất cách thức nâng cao chất lượng hoạt động của đơn vị.

Quyền và nghĩa vụ của khi hành nghề

Quyền và nghĩa vụ của kiểm toán viên hành nghề tại DNKT, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài hoạt động tại Việt Nam được quy định trong Luật Kiểm toán Độc lập số 67/2011/QH12 như sau:

Quyền của kiểm toán viên hành nghề

  • Hành nghề theo quy định của Luật này
  • Độc lập về chuyên môn nghiệp vụ
  • Đề nghị đơn vị được kiểm toán phải cung cấp các tài liệu, thông tin một cách kịp thời, đầy đủ và giải trình các vấn đề có trong nội dung kiểm toán; đề nghị đối chiếu công nợ, kiểm kê tài sản của đơn vị trong phạm vi nội dung kiểm toán; rà soát toàn bộ các tài liệu, hồ sơ về các hoạt động tài chính, kinh tế của đơn vị…
  • Kiểm tra, xác minh các thông tin tài chính, kinh tế về đơn vị được kiểm toán
  • Đề nghị các bên liên quan cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ công tác kiểm toán thông qua đơn vị được kiểm toán
  • Các quyền khác được pháp luật cho phép

Nghĩa vụ của kiểm toán viên hành nghề

  • Chấp hành các nguyên tắc, quy định về kiểm toán độc lập
  • Không can thiệp vào hoạt động của đơn vị được kiểm toán
  • Từ chối kiểm toán cho đơn vị nếu nhận thấy không đủ điều kiện, năng lực chuyên môn và không đảm bảo tính độc lập theo quy định của pháp luật
  • Từ chối kiểm toán nếu đơn vị được kiểm toán đưa ra yêu cầu trái với quy định pháp luật, chuyên môn nghiệp vụ hoặc đạo đức nghề nghiệp
  • Tham gia đầy đủ chương trình cập nhật kiến thức thường niên
  • Thường xuyên trau dồi kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn
  • Tiến hành kiểm toán, ký báo cáo kiểm toán, rà soát hồ sơ kiểm toán và chịu trách nhiệm về các hoạt động của mình
  • Lập báo cáo định kỳ hoặc đột xuất liên quan đến hoạt động kiểm toán mà mình thực hiện nếu được các cơ quan có thẩm quyền
  • Chấp hành Luật này và các quy định của nước sở tại (nếu hành nghề kiểm toán tại nước ngoài)
  • Tuân thủ quy định về kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán được Bộ Tài chính ban hành
  • Những nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật
Nghĩa vụ của kiểm toán viên hành nghề
Có thể từ chối kiểm toán nếu đơn vị được kiểm toán đưa ra yêu cầu trái với quy định pháp luật

Kiểm toán viên cần có những tố chất gì?

Khả năng làm việc nhóm

Công tác kiểm toán là một quy trình phức tạp gồm nhiều bước. Vì vậy đây là nhiệm vụ không thể được thực hiện bởi một cá nhân mà phải có sự góp sức của cả tập thể. Vì vậy mỗi người nên gạt bỏ cái tôi cá nhân, tránh để xảy ra các mâu thuẫn hay bất đồng quan điểm. Hãy đoàn kết, tương trợ lẫn nhau để đảm bảo công việc được hoàn thành một cách xuất sắc.

Khả năng diễn giải, thuyết phục

Kiểm toán đòi hỏi đối tượng sử dụng dịch vụ phải có sự tin tưởng cao. Chính vì vậy, kiểm toán viên cần mài giũa, trau dồi kỹ năng diễn giải, thuyết phục của mình để đơn vị được kiểm toán có thể lắng nghe, chấp thuận những ý kiến mà mình đưa ra.

Tư duy logic

Kiểm toán là ngành nghề có yêu cầu cao về tính logic, khoa học. Bởi đối với mỗi vấn đề lại có nhiều phương hướng giải quyết khác nhau và dẫn đến những kết quả khác nhau. Điều này đòi hỏi người kiểm toán viên phải có tư duy logic để sắp xếp công việc hợp lý và tìm ra được những giải pháp tối ưu nhất.

Thấu hiểu lý luận ứng dụng một vấn đề

Kiểm toán viên không chỉ cần hiểu sâu sắc những luật lệ, quy tắc ứng xử trong nghề mà còn phải nắm rõ những luật có liên quan. Nếu không có kiến thức sâu rộng về lý luận ứng dụng để giải quyết vấn đề thì sẽ không thể phát hiện được những điều sai trái, hoặc không tìm ra giải pháp khắc phục các sai phạm.

Nắm bắt nhanh chóng vấn đề mới

Các ngành nghề được kiểm toán vô cùng đa dạng và mỗi ngành nghề lại có đặc thù riêng. Vì vậy người kiểm toán viên cũng cần học cách nắm bắt nhanh chóng một vấn đề mới để làm tốt công việc của mình.

Lưu ý khi hành nghề kiểm toán viên chuyên nghiệp

Trang phục phù hợp

Người kiểm toán viên chuyên nghiệp luôn phải duy trì hình tượng nghiêm túc, trang trọng, thể hiện thái độ tôn trọng nghề nghiệp. Vì vậy để lựa chọn trang phục phù hợp, các bạn nam có thể kết hợp áo sơ mi và quần Âu. Còn nữ giới có thể mặc áo sơ mi với váy công sở. Tại một số doanh nghiệp kiểm toán hoặc các cơ quan kiểm toán nhà nước, còn được yêu cầu mặc đồng phục.

Lưu ý khi hành nghề kiểm toán viên chuyên nghiệp
Kiểm toán viên nhà nước cần mặc đồng phục theo quy định

Kỹ năng giao tiếp

Như đã nói ở trên, kiểm toán là công việc được thực hiện bởi một tập thể. Vì vậy cần có sự phối hợp ăn ý giữa các thành viên để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, kiểm toán viên cũng phải thường xuyên giao tiếp và trao đổi với khách hàng. Do đó, kỹ năng giao tiếp và trình bày ý kiến là cực kỳ quan trọng.

Các kỹ năng phục vụ nghề nghiệp

Kỹ năng kiểm toán: Tham gia các khóa đào tạo kiểm toán để nâng cao kỹ năng chuyên môn hoặc tham gia các kỳ thi lấy chứng chỉ ACCA, CFA… Kỹ năng tin học: Thường xuyên phải làm việc với máy tính để tính toán và lập báo cáo. Các công cụ cơ bản nhất là Word và Excel. Ngoài ra hiện nay còn có nhiều phần mềm kiểm toán chuyên dụng giúp đơn giản hóa công việc của kiểm toán viên. Kỹ năng tiếng Anh: Các tài liệu về kiểm toán – kế toán nước ngoài là nguồn kiến thức vô cùng quan trọng. Tuy nhiên kiểm toán viên cần có kỹ năng tiếng Anh tốt mới có thể đọc hiểu những loại tài liệu, sách báo này. Bên cạnh đó, nếu muốn làm việc với các doanh nghiệp nước ngoài thì kỹ năng tiếng Anh là không thể thiếu.

Thường xuyên phải đi công tác

Kiểm toán viên cũng thường xuyên phải đi công tác xa để trao đổi với khách hàng hoặc thu thập thông tin phục vụ quá trình kiểm toán. Thời gian công tác có thể là 3 – 5 ngày hoặc 1 – 2 tháng tùy vào tính chất công việc.

Thường xuyên phải làm việc ngoài giờ

Thời gian làm việc thực tế không cố định mà sẽ thay đổi tùy vào yêu cầu của công việc và khách hàng. Vì vậy với những nhiệm vụ phức tạp, khối lượng thông tin lớn thì việc phải làm thêm giờ là không thể tránh khỏi.

Các kỹ năng phục vụ nghề nghiệp
Kiểm toán viên thường xuyên phải đi công tác xa, làm việc ngoài giờ
Xem thêm: Kiểm toán là gì? Những điều cần biết về ngành kiểm toán

Mong rằng các thông tin trên đây đã giúp bạn có cái nhìn cụ thể nhất về ngành nghề kiểm toán viên. Hiện nay, Công Ty TNHH Quản Lý Tư Vấn Thuế MAN là đơn vị cung cấp dịch vụ kiểm toán độc lập uy tín hàng đầu. Khách hàng có thể liên hệ theo hotline +84 (0) 903 963 163 để được tư vấn chi tiết về dịch vụ.

Ban biên tập: Man.net.vn

Giải đáp những câu hỏi thường gặp 

Cơ hội nghề nghiệp đối với kiểm toán viên là gì?

Đến ngày 01/12/2021, tại Việt Nam có tổng cộng 210 doanh nghiệp kiểm toán. Trong đó có 4 công “Big Four” là Deloitte, Ernst & Young, PricewaterhouseCoopers và KPMG. Ngoài ra, mỗi doanh nghiệp cũng có nhu cầu tuyển dụng kiểm toán viên nội bộ. Vì vậy ngành nghề kiểm toán có cơ hội làm việc vô cùng rộng mở.

Kiểm toán viên có mức lương ra sao?

heo khảo sát, kiểm toán viên mới vào nghề có thể đạt mức lương khởi điểm từ 9 triệu đồng/tháng. Đối với những kiểm toán viên giàu kinh nghiệm, có chứng chỉ quốc tế thì mức thu nhập có thể lên đến 20 – 100 triệu đồng/tháng.

Những trường nào đào tạo kiểm toán viên?

Hầu hết các trường thuộc khối ngành kinh tế tại Việt Nam đều có chương trình đào tạo kiểm toán. Đó là ĐH Kinh tế Luật TPHCM, ĐH Kinh tế Huế, ĐH Kinh tế Đà Nẵng, ĐH Công nghiệp Hà Nội…

5/5 - (1 bình chọn)
Chúng tôi sử dụng cookie và các công nghệ tracking khác như Google Analytics... để cải thiện trải nghiệm duyệt web của bạn.
error: Thông báo: Nội dung được bảo vệ !!