Ý kiến kiểm toán các loại được pháp luật Việt Nam quy định rất cụ thể và rõ ràng. Trong mỗi báo cáo kiểm toán, chúng đóng vai trò vô cùng thiết yếu bởi nó truyền tải đánh giá của kiểm toán viên về tính hợp lý, trung thực của các thông tin được nêu ra trong báo cáo tài chính (BCTC). Sau đây, MAN sẽ giải thích rõ khái niệm, phân loại những loại ý kiến kiểm toán và đưa ra ví dụ cụ thể về từng trường hợp.

Ý kiến kiểm toán là gì?

Khái niệm

Căn cứ trên Chuẩn mực kiểm toán số 700 liên quan đến “Báo cáo kiểm toán về BCTC”, được Bộ Tài chính ban hành ngày 27/09/1999, báo cáo kiểm toán là loại báo cáo được thể hiện dưới dạng văn bản, được lập nên bởi doanh nghiệp kiểm toán và kiểm toán viên nhằm đưa ra ý kiến chính thức của mình liên quan đến BCTC của đơn vị được kiểm toán.

Như vậy, ý kiến kiểm toán được hiểu là kết quả mà kiểm toán viên đưa ra sau mỗi cuộc kiểm toán Báo cáo tài chính (BCTC) của doanh nghiệp. Ý kiến kiểm toán được xem như sản phẩm cuối cùng giúp truyền tải kết luận của kiểm toán viên về BCTC đã qua kiểm toán. Những ý kiến kết luận này sẽ được trình bày dưới dạng biên bản hoặc báo cáo kiểm toán.

Những cơ sở hình thành nên các loại ý kiến kiểm toán

Để đảm bảo sự chính xác, trung thực của ý kiến kiểm toán, kiểm toán viên cần thực hiện nhiều công việc khác nhau. Ví dụ như thu thập thư giải trình của ban lãnh đạo đơn vị kiểm toán, đánh giá tính liên tục trong hoạt động của đơn vị, cân nhắc những sự kiện nảy sinh sau khi kết thúc niên độ, xem xét những khoản nợ không nằm trong dự kiến…

Cuối cùng, kiểm toán viên sẽ rà soát và tổng hợp lại các kết quả để xây dựng báo cáo kiểm toán. Kiểm toán viên cũng phải chịu trách nhiệm khắc phục những vấn đề có thể xảy ra sau khi hoàn thành việc lập báo cáo kiểm toán.

Những cơ sở hình thành nên các loại ý kiến kiểm toán
Kiểm toán viên cần căn cứ trên nhiều yếu tố khác nhau để đưa ra ý kiến kiểm toán

Ý kiến kiểm toán gồm những nội dung gì?

Khi đưa ra ý kiến kiểm toán, kiểm toán viên phải nêu rõ mức độ phù hợp của BCTC khi đối chiếu với những quy định, chuẩn mực kiểm toán hiện hành. Đồng thời chỉ ra mức độ tuân thủ pháp luật và các quy định liên quan trong quá trình đơn vị được kiểm toán lập BCTC. Đánh giá sự phù hợp của BCTC với việc lập và trình bày BCTC theo khuôn khổ pháp luật hiện hành, xét về các khía cạnh trọng yếu.

Ngoài ra, báo cáo kiểm toán cũng cần truyền tải cụ thể ý kiến của kiểm toán viên về BCTC trên phương diện phản ánh hợp lý, trung thực những khía cạnh trọng yếu. Nói một cách đơn giản hơn, ý kiến mà kiểm toán viên nêu ra trong báo cáo kiểm toán có sự đảm bảo chắc chắn về tính hợp lý, trung thực của BCTC xét về các khía cạnh trọng yếu. Trong đó kiểm toán viên cần nêu rõ:

  • Kết luận về việc các bằng chứng kiểm toán phù hợp đã được thu thập đầy đủ hay chưa?
  • Kết luận về việc các sai sót không được điều chỉnh, khi xem xét tổng hợp hoặc riêng lẻ, có trở thành khía cạnh trọng yếu không?

Tuy nhiên ý kiến kiểm toán không cam đoan tuyệt đối rằng BCTC đã được kiểm toán không hề có bất cứ sai sót nào. Như vậy trong một báo cáo tài chính, chỉ có những yếu tố trọng yếu mới là mối quan tâm hàng đầu của kiểm toán viên.

Dựa trên kết quả kiểm toán, kiểm toán viên phải nêu được một trong các loại ý kiến kiểm toán là Ý kiến chấp nhận toàn phần và Ý kiến kiểm toán không phải là Ý kiến kiểm toán chấp nhận toàn phần (gồm Ý kiến kiểm toán ngoại trừ, Ý kiến kiểm toán Từ chối đưa ý kiến và Ý kiến kiểm toán trái ngược).

ý kiến kiểm toán gồm những nội dung gì
Những loại báo cáo kiểm toán tương ứng với 4 loại ý kiến kiểm toán

Mời xem thêm: Kiểm toán là gì?

Tổng quan về các loại ý kiến kiểm toán

Cơ sở pháp luật của những loại

Ngày 06/12/2012, Thông tư 214/2012/TT-BTC được Bộ Tài Chính ban hành đã đề ra hệ thống gồm 37 chuẩn mực kiểm toán Việt Nam và được đưa vào hiệu lực từ ngày 01/01/2014. Trong hệ thống 37 chuẩn mực kiểm toán này có sự đổi mới của một số chuẩn mực về báo cáo kiểm toán và ý kiến báo cáo kiểm toán.

Cụ thể, có 3 chuẩn mực liên quan đến ý kiến kiểm toán trong hệ thống 37 chuẩn mực là:

  • VSA 700 – Hình thành ý kiến kiểm toán và báo cáo kiểm toán về BCTC.
  • VSA 705 – Ý kiến kiểm toán không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần
  • VSA 706 – Đoạn “Vấn đề cần nhấn mạnh” và “Vấn đề khác” trong báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính.

Phân loại ý kiến kiểm toán

Theo hệ thống gồm 37 chuẩn mực kiểm toán mới, ý kiến kiểm toán sẽ bao gồm 2 loại chính là:

  • Ý kiến chấp nhận toàn phần.
  • Ý kiến kiểm toán không phải là Ý kiến kiểm toán chấp nhận toàn phần.

Trong đó, Ý kiến kiểm toán không phải là Ý kiến kiểm toán chấp nhận toàn phần sẽ được phân loại thành:

  • Ý kiến kiểm toán ngoại trừ
  • Ý kiến kiểm toán từ chối đưa ý kiến
  • Ý kiến kiểm toán trái ngược

Xem thêm: Dịch vụ Kiểm toán Tuân thủ

Ý kiến kiểm toán chấp nhận toàn phần

Các trường hợp áp dụng (Unqualified opinion)

Trong các loại ý kiến kiểm toán, ý kiến kiểm toán chấp nhận toàn phần được hiểu là ý kiến được kiểm toán viên đưa ra khi cho rằng BCTC đã được xây dựng phù hợp với các quy định về việc lập và trình bày BCTC hiện hành, xét về các khía cạnh trọng yếu của bản BCTC.

Ý kiến chấp nhận toàn phần cũng có thể được đưa ra khi các sai sót trong BCTC đã qua kiểm toán đã được kiểm toán viên sửa chữa và chấp thuận.

ý kiến kiểm toán chấp nhận toàn phần
Ý kiến chấp nhận toàn phần thể hiện rằng BCTC đã được xây dựng phù hợp với các quy định về việc lập và trình bày BCTC hiện hành.

Bên cạnh đó, ý kiến kiểm toán này còn có thể áp dụng khi kiểm toán viên bổ sung một đoạn nhận xét trong báo cáo kiểm toán nhằm mục đích giải thích một số yếu tố có tác động không trọng yếu trong BCTC và không tác động đến báo cáo kiểm toán.

Mặc dù vậy, ý kiến chấp nhận toàn phần không đồng nghĩa với việc BCTC đã qua kiểm toán là chính xác hoàn toàn. Cũng có thể trong báo cáo có sai sót nhưng chúng không được đánh giá là trọng yếu. Khi đưa ra ý kiến này, kiểm toán viên muốn truyền tải thông điệp:

  • Các bằng chứng phù hợp về báo cáo tài chính đã được kiểm toán viên thu thập đầy đủ.
  • Toàn bộ những điều chỉnh về chính sách kế toán cũng như những ảnh hưởng của chúng đều đã được đánh giá, xem xét và nêu ra trong thuyết minh BCTC.
  • Giả định hoạt động liên tục của doanh nghiệp được kiểm toán không có dấu hiệu đáng ngờ.

Ví dụ mẫu

Theo ý kiến của chúng tôi, bản BCTC đã thể hiện một cách hợp lý và trung thực tình hình tài chính, tình trạng lưu chuyển tiền tệ và kết quả hoạt động kinh doanh của Công ty X tính đến thời điểm kết thúc năm tài chính cùng ngày 28/05/20xx, xét trên những khía cạnh trọng yếu của báo cáo, trên cơ sở đảm bảo tính phù hợp với hệ thống chuẩn mực kế toán và những quy định khác có liên quan về hoạt động lập và trình bày BCTC của Việt Nam.

Tìm hiểu thêm: Quy định về kiểm toán công trình xây dựng

Các loại ý kiến kiểm toán không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần

Tại sao phải đưa ra Ý kiến kiểm toán không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần?

Theo Chuẩn mực kiểm toán số 705, ý kiến chấp nhận toàn phần sẽ không được chấp thuận khi:

  • BCTC vẫn còn các sai sót trọng yếu khi xem xét trên phương diện tổng thể.
  • Các bằng chứng kiểm toán thu thập được không đầy đủ để đi đến kết luận rằng BCTC không còn sai sót trọng yếu, xem xét trên phương diện tổng thể.

Như vậy trong những trường hợp trên, kiểm toán viên buộc phải đưa ra ý kiến kiểm toán không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần. Ý kiến này bao gồm Ý kiến kiểm toán ngoại trừ, Ý kiến kiểm toán Từ chối đưa ý kiến và Ý kiến kiểm toán trái ngược.

Các loại ý kiến kiểm toán không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần
Ý kiến kiểm toán không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần được quy định trong Chuẩn mực kiểm toán số 705

Ý kiến kiểm toán ngoại trừ (Qualified opinion)

Trường hợp áp dụng

Đây là ý kiến được kiểm toán viên đưa ra khi đánh giá rằng tính hợp lý, trung thực của BCTC chỉ được đảm bảo nếu không bị tác động bởi những yếu tố ngoại trừ khi báo cáo tài chính.

Ý kiến kiểm toán ngoại trừ được kiểm toán viên đưa ra trong những trường hợp sau:

  • Căn cứ vào những bằng chứng kiểm toán phù hợp, đầy đủ đã thu thập, kiểm toán viên đưa ra kết luận rằng những sai sót trong BCTC có ảnh hưởng trọng yếu nhưng không lan tỏa đối với BCTC, khi tổng hợp lại hay xét riêng lẻ.
  • Các bằng chứng phù hợp được kiểm toán viên thu thập không đủ để làm căn cứ đưa ra ý kiến kiểm toán. Tuy nhiên kiểm toán viên cho rằng các sai sót chưa được nhận diện (nếu có) có thể gây ảnh hưởng trọng yếu nhưng không lan tỏa (nếu có) đối với BCTC

Ví dụ về ý kiến kiểm toán ngoại trừ

Chúng tôi cho rằng những bằng chứng kiểm toán mà mình đã thu thập được là thích hợp và đầy đủ để đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ.

Cơ sở của ý kiến kiểm toán ngoại trừ

Vì chưa lập dự phòng giảm giá đối với hàng tồn kho nên trên Bảng cân đối kế toán của công ty, khoản mục Mã số 100 là “Hàng tồn kho” vẫn đang có giá gốc XXX1 VNĐ thay vì thể hiện giá trị thuần có thể thực hiện được. Điều này cho thấy sự không phù hợp với các chuẩn mực và chế độ kế toán Việt Nam.

Căn cứ trên các tài liệu thu thập được, nếu khoản mục “Hàng tồn kho” được thể hiện bằng giá trị thuần có thể thực hiện được thì giá trị trên Bảng cân đối kế toán sẽ giảm còn XXX2 VNĐ. Đồng thời, trong Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của công ty, chỉ tiêu “Giá vốn hàng bán” sẽ tăng lên XXX2 VNĐ; các chỉ tiêu “Lợi nhuận sau thuế” và “Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành” sẽ ghi nhận mức giảm XXX3 VNĐ.

Ý kiến kiểm toán ngoại trừ

Theo ý kiến của chúng tôi, nếu không tính đến vấn đề được đề cập đến ở đoạn “Cơ sở của ý kiến kiểm toán ngoại trừ” và những ảnh hưởng của nó, xét về những khía cạnh trọng yếu thì báo cáo tài chính đã thể hiện hợp lý và trung thực tình hình tài chính, tình trạng lưu chuyển tiền tệ và kết quả hoạt động kinh doanh tính đến thời điểm kết thúc năm tài chính của Công ty X ngày 28/05/20xx. Báo cáo tài chính được lập đảm bảo sự phù hợp với chế độ và chuẩn mực kế toán Việt Nam cũng như khuôn khổ pháp lý về việc lập và trình bày báo cáo tài chính.

ý kiến kiểm toán ngoại trừ
Ý kiến kiểm toán ngoại trừ là một trong các loại ý kiến kiểm toán tại Việt Nam

Ý kiến kiểm toán Từ chối đưa ý kiến (Disclaimer of Opinion)

Trường hợp áp dụng

Khi bằng chứng kiểm toán phù hợp không thể được thu thập đầy đủ để trở thành căn cứ đưa ra ý kiến kiểm toán, kiểm toán viên có trách nhiệm từ chối đưa ra ý kiến và đi đến kết luận rằng những sai sót chưa được nhận diện (nếu có) có thể gây ra những ảnh hưởng trọng yếu và lan tỏa đối với BCTC.

Trong một số ít trường hợp, kiểm toán viên có thể từ chối đưa ra ý kiến kiểm toán về BCTC kể cả khi đã các bằng chứng kiểm toán phù hợp đã được thu thập đầy đủ. Lý do là những bằng chứng kiểm toán đó liên quan tới những yếu tố không chắc chắn và những yếu tố này có thể tạo ra các ảnh hưởng tương tác và ảnh hưởng lũy kế đến BCTC.

Ví dụ mẫu

Cơ sở của việc từ chối đưa ra ý kiến

Khoản tiền mà Công ty X đang đầu tư vào Công ty liên doanh Y được thể hiện trên Bảng cân đối kế toán là XXX VNĐ, chiếm 80% tổng tài sản thuần của Công ty ghi nhận ngày 28/05/20xx. Chúng tôi đã không được quyền tiếp cận với kiểm toán viên và ban lãnh đạo của Công ty Y, vì vậy không thể thu thập được hồ sơ và tài liệu kiểm toán của Công ty Y.

Vì vậy, chúng tôi không thể đưa ra quyết định về việc có cần thiết phải điều chỉnh những mục sau hay không: (1) phần tài sản đầu tư vào Công ty Y mà Công ty X cũng có quyền đồng sở hữu; (2) phần nợ phải trả của Công ty Y mà Công ty X có đồng trách nhiệm; (3) phần sở hữu của Công ty X nằm trong doanh thu, chi phí của Công ty Y; (4) các khoản mục thuộc Báo cáo lưu chuyển tiền tệ và Báo cáo thay đổi vốn chủ sở hữu (nếu có).

Từ chối đưa ra ý kiến

Do vấn đề nêu ở đoạn “Cơ sở của việc từ chối đưa ra ý kiến” có tầm quan trọng đặc biệt, chúng tôi đã không thể đưa ra ý kiến kiểm toán đối với BCTC đính kèm do không thu thập được đầy đủ các bằng chứng kiểm toán phù hợp để làm căn cứ đưa ra ý kiến kiểm toán.

Ý kiến kiểm toán Từ chối đưa ý kiến (Disclaimer of Opinion)
Kiểm toán viên có thể từ chối đưa ra ý kiến kiểm toán khi bằng chứng kiểm toán phù hợp không thể được thu thập đầy đủ

Ý kiến kiểm toán trái ngược (Adverse)

Trường hợp áp dụng

Trong các loại ý kiến kiểm toán, ý kiến kiểm toán trái ngược cần được đưa ra khi kiểm toán viên đã xem xét toàn các bằng chứng kiểm toán phù hợp đã thu thập và nhận thấy các sai sót có ảnh hưởng trọng yếu và lan tỏa đối với BCTC, dù tổng hợp hay xét riêng lẻ.

Ví dụ về ý kiến kiểm toán trái ngược

Chúng tôi đưa ra ý kiến kiểm toán trái ngược dựa trên những bằng chứng kiểm toán phù hợp và đầy đủ mà chúng tôi đã thu thập được.

Cơ sở của ý kiến kiểm toán trái ngược

Như chúng tôi đã trình bày trong thuyết minh ABC, Tổng Công ty (Tập đoàn) chưa thực hiện hợp nhất BCTC của công ty Y – công ty con đã được sáp nhập vào Tổng Công ty (Tập đoàn) năm 20xx, do chưa xác định rõ các khoản nợ phải trả trọng yếu và giá trị của một số tài sản của công ty Y vào thời điểm mua. Vì vậy, khoản đầu tư này vẫn được thể hiện bằng giá gốc trên BCTC hợp nhất của Tổng Công ty (Tập đoàn).

Chuẩn mực và chế độ kế toán Việt Nam hiện hành yêu cầu công ty con (ở đây là Công ty Y) chịu sự kiểm soát của công ty mẹ (Tổng Công ty) thì phải được hợp nhất báo cáo tài chính. Việc hợp nhất BCTC của Công ty Y sẽ gây ra ảnh hưởng trọng yếu đến nhiều khoản mục thuộc BCTC hợp nhất kèm theo. Những ảnh hưởng tạo ra do không hợp nhất BCTC của công ty Y đối với BCTC hợp nhất là chưa xác định được.

Ý kiến kiểm toán trái ngược

Theo ý kiến của chúng tôi, do vấn đề được chỉ ra ở đoạn “Cơ sở của ý kiến kiểm toán trái ngược” có tầm quan trọng đặc biệt, BCTC hợp nhất, xét về các khía cạnh trọng yếu, đã không thể hiện được một cách hợp lý và trung thực tình hình tài chính, tình hình lưu chuyển tiền tệ và kết quả hoạt động kinh doanh của Tổng Công ty (Tập đoàn) X tính đến thời điểm kết thúc năm tài chính ngày 28/05/20xx, không đảm bảo tính phù hợp với các chế độ và chuẩn mực kế toán Việt Nam cũng như những quy định pháp luật về hoạt động lập và trình bày BCTC hợp nhất.

Cách xác định những loại ý kiến kiểm toán không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần

Bảng sau sẽ giải thích về căn cứ đưa ra ý kiến kiểm toán không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần của kiểm toán viên khi xét đoán về bản chất vấn đề, sự lan tỏa của các ảnh hưởng có thể có hoặc các ảnh hưởng mà vấn đề gây ra đối với BCTC và tác động của vấn đề trong quá trình đưa ra ý kiến kiểm toán của kiểm toán viên.

Cách xác định các loại ý kiến kiểm toán không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần
Phương pháp xác định ý kiến kiểm toán không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần
Nguyên nhân khiến cho kiểm toán viên phải đưa ra ý kiến kiểm toán không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần Xét đoán của kiểm toán viên về tính lan tỏa của các ảnh hưởng có thể có hoặc các ảnh hưởng mà vấn đề tạo ra đối với BCTC
Trọng yếu nhưng không lan tỏa Trọng yếu và lan tỏa
BCTC có sai sót trọng yếu Ý kiến kiểm toán ngoại trừ Ý kiến kiểm toán trái ngược
Không có đầy đủ các bằng chứng kiểm toán phù hợp Ý kiến kiểm toán ngoại trừ Từ chối đưa ra ý kiến

Trong bản trên, thuật ngữ “lan tỏa” được áp dụng khi phát hiện sai sót trong BCTC. Thuật ngữ này mô tả ảnh hưởng mà sai sót có thể gây ra cho BCTC. Lan tỏa cũng dùng để nói về các sai sót chưa trong BCTC chưa được phát hiện (nếu có) và các ảnh hưởng sâu rộng, có thể có mà những sai sót này gây ra cho BCTC do sự thiếu hụt bằng chứng kiểm toán phù hợp.

Theo xét đoán của kiểm toán viên, ảnh hưởng lan tỏa đối với BCTC được hiểu là:

  • Những ảnh hưởng không chỉ gói gọn trong phạm vi của một số khoản mục cụ thể, một số tài khoản hay một số yếu tố có trong BCTC.
  • Trong trường hợp chỉ gói gọn trong phạm vị của một số khoản mục cụ thể, một số tài khoản hay một số yếu tố có trong BCTC thì các ảnh hưởng lan tỏa vẫn đại diện (hoặc có thể đại diện) cho một phương diện quan trọng trong BCTC.
  • Nếu có liên quan đến các thuyết minh, những ảnh hưởng này đóng vai trò là nền tảng căn bản giúp người sử dụng hiểu rõ vấn đề được nêu trong BCTC.

Xem thêm: Kiểm toán báo cáo quyết toán dự án hoàn thành

Giải pháp cải thiện chất lượng của ý kiến kiểm toán viên

Các loại ý kiến kiểm toán là yếu tố quan trọng và không thể thiếu đối với mỗi báo cáo kiểm toán. Vì vậy để các báo cáo kiểm toán đảm bảo sự trung thực, hữu ích với người sử dụng thì trước hết cần cải thiện chất lượng của ý kiến kiểm toán viên. Một số giải pháp thiết thực cho vấn đề này như sau:

Nâng cao đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên

Kiểm toán viên luôn là người gánh vác trọng trách và được trao trọn niềm tin bởi các cá nhân, tổ chức, nhà quản lý, nhà đầu tư và những người sử dụng báo cáo kiểm toán khác. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình thì kiểm toán viên cần có ý kiến đánh giá trung thực, công tâm và chính xác về toàn bộ các thông tin mà mình đã kiểm toán.

Muốn làm được điều này, người kiểm toán viên phải không ngừng bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn và kinh nghiệm của bản thân. Đồng thời kiểm toán viên cũng cần có đủ bản lĩnh để chịu hoàn toàn trách nhiệm với những ý kiến nhận xét của mình. Không những vậy, kiểm toán viên cũng cần tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp và đạo đức con người để không bóp méo sự thật vì bất cứ lý do nào.

Một khi trách nhiệm đã được giao phó cho từng cá nhân thì mỗi người sẽ có thêm động lực và tinh thần trách nhiệm cao hơn với công việc mình đang làm. Từ đó nâng cao giá trị và mức độ tin cậy của các kết luận trong báo cáo kiểm toán.

Giải pháp cải thiện chất lượng của ý kiến kiểm toán viên
Nâng cao đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên là yếu tố then chốt để đảm bảo chất lượng của ý kiến kiểm toán và báo cáo kiểm toán

Tách biệt các mối quan hệ trong quá trình kiểm toán

Một cuộc kiểm toán BCTC thực hiện với 1 khách thể kiểm toán thường do một nhóm kiểm toán viên (khoảng 4 người) tổ chức thực hiện dưới sự dẫn dắt của trưởng nhóm.

Để đảm bảo sự tin cậy, công bằng trong việc đưa ra ý kiến kiểm toán, ngay từ khi bắt đầu cuộc kiểm toán, kiểm toán viên phải tách biệt rạch ròi giữa khách thể kiểm toán và chủ thể kiểm toán. Từ đó giảm thiểu hoặc tránh sự tác động của các mối quan hệ bất thường đến những ý kiến đánh giá trong báo cáo kiểm toán. Tách biệt xét trên cả phương diện địa lý, giao tiếp…

Nêu rõ trách nhiệm của kiểm toán viên đối với ý kiến ngoại trừ

Để gia tăng mức độ tin cậy của ý kiến kiểm toán, kiểm toán viên cần nêu rõ trách nhiệm của mình đối với những sự kiện có thể nảy sinh trong tương lai. Mặc dù việc kiểm soát các sự kiện có thể nảy sinh là vô cùng khó khăn. Tuy nhiên kiểm toán viên vẫn có khả năng phân tích, dự đoán những yếu tố có thể xảy ra tốt hơn so với các nhà quản trị.

Hiểu được vai trò của mình, kiểm toán viên cần giúp đỡ các nhà quản trị trong việc dự đoán, dự báo về những rủi ro có thể có trong tương lai bắt nguồn từ những vấn đề hiện tại. Từ đó, các nhà quản lý có thể tránh hoặc giảm thiểu được các thiệt hại. Không những vậy, ý kiến đánh giá của kiểm toán viên trong báo cáo kiểm toán cũng sẽ được nâng cao giá trị.

Nâng cao chất lượng của hệ thống kiểm soát chất lượng kiểm toán

Các tổ chức hành nghề kiểm toán, kế toán, các doanh nghiệp kiểm toán, những cơ quan chủ quản… cần nêu cao trách nhiệm trong việc bồi dưỡng đào tạo kiểm toán viên. Sau mỗi khóa đào tạo cần yêu cầu kiểm toán viên viết thu hoạch và lấy đó làm căn cứ đánh giá năng lực của kiểm toán viên.

Ngoài ra, cũng cần tổ chức những kỳ thi kiểm tra đánh giá đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ của kiểm toán viên theo định kỳ. Nếu cần có thể phối hợp với các đơn vị khác để nâng cao trình độ nghiệp vụ cho kiểm toán viên.

Bên cạnh đó, chất lượng của hoạt động kiểm toán cũng phải được kiểm soát nghiêm ngặt. Có thể lập nên các Ban kiểm soát chất lượng kiểm toán để rà soát, kiểm tra việc tuân thủ quy định kiểm toán của kiểm toán viên. Nếu cần có thể tiến hành kiểm toán lại đối với một số BCTC đã qua kiểm toán.

Trên đây là các loại ý kiến kiểm toán và một số ví dụ cụ thể đối với từng loại ý kiến. Có thể thấy, việc đưa ra ý kiến kiểm toán cần căn cứ trên nhiều yếu tố khác nhau. Và một bản báo cáo kiểm toán có giá trị hay không cũng phụ thuộc phần lớn vào ý kiến kiểm toán. Vì vậy để đảm bảo chất lượng của bản báo cáo, doanh nghiệp nên gửi gắm niềm tin ở những đơn vị cung cấp dịch vụ kiểm toán uy tín như Công Ty TNHH Quản Lý Tư Vấn Thuế MAN. Liên hệ với chúng tôi ngay hôm nay để được tư vấn chi tiết!

Thông tin liên hệ:

  • FOUNDER: Lê Hoàng Tuyên
  • Email: man@man.net.vn
  • Mobile: (+84) 0903 963 163
  • Zalo: (+84) 0903 963 163

Ban biên tập: Man.net.vn

5/5 - (1 bình chọn)
Chúng tôi sử dụng cookie và các công nghệ tracking khác như Google Analytics... để cải thiện trải nghiệm duyệt web của bạn.
error: Thông báo: Nội dung được bảo vệ !!