Đối tượng chịu thuế GTGT và đối tượng không chịu thuế GTGT là các loại hàng hóa, dịch vụ đã được nêu rõ trong Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008. Ngày nay thuế giá trị gia tăng là thuật ngữ được sử dụng vô cùng phổ biến và rất quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày. Trên thực tế có rất nhiều mặt hàng hiện nay phải đóng thuế GTGT. Trong bài viết sau đây, MAN – Master Accountant Network sẽ cập nhật thông tin mới nhất về các đối tượng chịu thuế và không chịu thuế GTGT.
Khái niệm đối tượng chịu thuế GTGT và căn cứ pháp lý
Điều 3 Luật thuế giá trị gia tăng 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2013) đã định nghĩa đối tượng chịu thuế GTGT như sau:
Hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam là đối tượng chịu thuế GTGT, trừ các đối tượng quy định tại Điều 5 của luật thuế GTGT.
Có thể thấy, thuế GTGT được áp dụng cho những đối tượng là các loại hàng hóa bị tác động bởi 1 trong những hành vi như sau: Được sản xuất, kinh doanh hoặc tiêu dùng ở Việt Nam; các loại dịch vụ bị tác động bởi 1 trong những hành vi như kinh doanh hoặc sử dụng tại Việt Nam.
Để giải thích cho quy định này, có thể hiểu rằng thuế GTGT chỉ quan tâm đến giá trị tăng thêm của đối tượng chịu thuế mà không chú trọng đến hành vi tác động vào đối tượng chịu thuế. Do đó bất ở nơi đâu và vào bất kỳ lúc nào, miễn là thuộc lãnh thổ Việt Nam thì hàng hóa, dịch vụ phát sinh giá trị tăng thêm do hành vi tác động của đối tượng nộp thuế thì HH, DV đó chính là những đối tượng phải chịu thuế GTGT.
Đối tượng chịu thuế GTGT và người nộp thuế theo luật thuế mới 2008
Ở trên chúng tôi đã đưa ra khái niệm về đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng. Vậy những người ai thuộc diện phải nộp thuế GTGT? Theo Luật Thuế mới 2008 thì người phải đóng thuế GTGT là những cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tại Việt Nam (không có sự phân biệt về tổ chức kinh doanh, hình thức, ngành nghề) và nhập khẩu hàng hóa, mua dịch vụ từ nước ngoài chịu thuế GTGT, bao gồm:
- Những tổ chức kinh doanh được đăng ký, thành lập theo Luật Hợp tác xã, Luật Doanh nghiệp và những quy định pháp luật kinh doanh chuyên ngành khác;
- Những tổ chức kinh tế của tổ chức sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị và những tổ chức khác;
- Những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và bên nước ngoài tham gia hợp tác kinh doanh theo Luật đầu tư; những cá nhân, tổ chức nước ngoài không thành lập pháp nhân tại Việt Nam nhưng vẫn hoạt động kinh doanh ở Việt Nam;
- Cá nhân, nhóm người kinh doanh độc lập, hộ gia đình và những đối tượng khác có hoạt động nhập khẩu, sản xuất kinh doanh;
- Cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh tại Việt Nam và mua dịch vụ (bao gồm cả trường hợp mua dịch vụ gắn với hàng hóa) của tổ chức nước ngoài không có cơ sở thường trú ở Việt Nam, cá nhân ở nước ngoài là người không cư trú ở Việt Nam thì cá nhân, tổ chức mua dịch vụ sẽ phải nộp thuế GTGT (trừ trường hợp không phải kê khai, tính và đóng thuế GTGT theo quy định của khoản 2 Điều 5 Thông tư 219 về thuế GTGT).
Những hướng dẫn về đối tượng không cư trú và cơ sở thường trú căn cứ theo pháp luật về thuế TNDN và pháp luật về thuế TNCN.
- Chi nhánh doanh nghiệp chế xuất được lập ra để mua bán hàng hóa và thực hiện những hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa ở Việt Nam căn cứ theo quy định pháp luật về khu kinh tế, khu chế xuất và khu công nghiệp.
Như vậy có thể hiểu đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng là các loại hàng hóa, dịch vụ… Trong khi đó người nộp thuế GTGT chính là cá nhân, đơn vị sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đó.
Các nhóm đối tượng không chịu thuế GTGT theo quy định mới nhất
Điều 5 Luật Thuế GTGT cũng quy định cụ thể về các nhóm đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng như sau:
– Sản phẩm đánh bắt, thủy sản nuôi trồng, chăn nuôi, trồng trọt chưa chế biến thành sản phẩm khác hoặc chỉ sơ chế thông thường của các cá nhân, tổ chức tự đánh bắt, sản xuất bán ra và ở khâu nhập khẩu.
– Hợp tác xã, doanh nghiệp mua sản phẩm đánh bắt, thủy sản nuôi trồng, chăn nuôi, trồng trọt chưa chế biến thành sản phẩm khác hoặc chỉ sơ chế thông thường và bán cho hợp tác xã, doanh nghiệp khác thì không cần kê khai, tính nộp thuế GTGT tuy nhiên sẽ được khấu trừ thuế GTGT đầu vào.
– Sản phẩm là giống cây trồng, giống vật nuôi, gồm có vật liệu di truyền, phôi, tinh dịch, hạt giống, cây giống, con giống, trứng giống.
– Dịch vụ thu hoạch sản phẩm nông nghiệp; nạo vét kênh, mương nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp; tưới, tiêu nước; cày, bừa đất.
– Thức ăn gia cầm, gia súc và thức ăn cho vật nuôi khác; tàu đánh bắt xa bờ; phân bón; thiết bị, máy móc chuyên dụng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
– Sản phẩm muối làm từ nước biển, muối i-ốt, muối mỏ tự nhiên với thành phần chính là NaCl.
– Nhà ở do Nhà nước sở hữu và được Nhà nước bán cho cá nhân đang thuê.
– Chuyển quyền sử dụng đất.
– Bảo hiểm tàu, thuyền, các trang thiết bị và dụng cụ cần thiết khác dùng cho hoạt động đánh bắt thủy sản trực tiếp; bảo hiểm cây trồng, bảo hiểm vật nuôi, các dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp khác; bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm người học và các dịch vụ bảo hiểm khác liên quan đến con người; tái bảo hiểm.
– Các dịch vụ kinh doanh chứng khoán, tài chính, ngân hàng dưới đây:
+ Dịch vụ cấp tín dụng;
+ Dịch vụ cho vay được cung cấp bởi người nộp thuế không phải là tổ chức tín dụng;
+ Kinh doanh chứng khoán;
+ Chuyển nhượng vốn;
+ Bán nợ;
+ Kinh doanh ngoại tệ;
+ Bán tài sản đảm bảo của khoản nợ của tổ chức có 100% vốn điều lệ do Nhà nước sở hữu được thành lập bởi Chính phủ để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam.
– Dịch vụ chăm sóc người khuyết tật, người cao tuổi; dịch vụ y tế, dịch vụ thú y, gồm có dịch vụ phòng bệnh, khám và chữa bệnh cho người và vật nuôi.
– Dịch vụ tang lễ; dịch vụ duy trì chiếu sáng công cộng, cây xanh đường phố, công viên, vườn hoa, vườn thú.
– Dạy nghề, dạy học theo quy định pháp luật.
– Phát sóng truyền hình, truyền thanh bằng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước.
– Xuất bản, phát hành, nhập khẩu tạp chí, báo, bản tin chuyên ngành, sách chính trị, giáo trình, sách giáo khoa, sách khoa học – kỹ thuật, sách văn bản pháp luật, sách in bằng chữ dân tộc thiểu số và các loại áp phích, tranh, ảnh, kể cả dưới dạng đĩa ghi hình, ghi tiếng, dữ liệu điện tử hoặc dạng băng; tiền, in tiền.
– Vận chuyển hành khách công cộng bằng xe điện, xe buýt.
– Thiết bị, máy móc, vật tư, phụ tùng nằm trong nhóm chưa sản xuất được trong nước và cần nhập khẩu để phục vụ công việc phát triển công nghệ, nghiên cứu khoa học; thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải chuyên dùng, phụ tùng thay thế, vật tư thuộc loại chưa sản xuất được trong nước và cần nhập khẩu để thực hiện các hoạt động thăm dò, tìm kiếm, phát triển khí đốt, dầu mỏ; tàu thủy, giàn khoan, tàu bay thuộc loại chưa sản xuất được trong nước và cần nhập khẩu để tạo tài sản cố định của doanh nghiệp hoặc thuê của nước ngoài để phục vụ sản xuất, kinh doanh, cho thuê lại, cho thuê.
– Khí tài, vũ khí chuyên dùng cho an ninh, quốc phòng.
– Hàng hóa nhập khẩu phục vụ viện trợ không hoàn lại, viện trợ nhân đạo; quà tặng cho các đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức chính trị, cơ quan nhà nước; đồ dùng của cá nhân, tổ chức nước ngoài theo tiêu chuẩn miễn trừ ngoại giao; hàng mang theo người trong tiêu chuẩn hành lý miễn thuế.
Hàng hóa, dịch vụ bán cho cá nhân, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế để phục vụ viện trợ không hoàn lại, viện trợ nhân đạo cho Việt Nam.
– Hàng hóa, dịch vụ được mua bán giữa các khu phi thuế quan với nhau hoặc giữa các khu phi thuế quan và nước ngoài; nguyên liệu nhập khẩu phục vụ việc sản xuất, gia công hàng hóa xuất khẩu theo hợp đồng sản xuất, gia công xuất khẩu ký kết với bên nước ngoài; hàng tạm xuất khẩu, tái nhập khẩu; hàng tạm nhập khẩu; tái xuất khẩu; hàng hóa quá cảnh, chuyển khẩu qua lãnh thổ Việt Nam.
– Phần mềm máy tính; chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ theo Luật sở hữu trí tuệ; chuyển giao công nghệ theo Luật chuyển giao công nghệ.
– Vàng nhập khẩu dạng miếng, thỏi chưa qua chế tác thành đồ trang sức, đồ mỹ nghệ hoặc những sản phẩm khác…
Hướng dẫn phân biệt 3 nhóm đối tượng thuế GTGT: Không phải kê khai tính nộp thuế, không chịu thuế và đối tượng chịu thuế suất 0%
Có 3 nhóm đối tượng thuế GTGT, đó là: Đối tượng không phải kê khai tính nộp thuế, đối tượng không chịu thuế và đối tượng chịu thuế suất 0%. Doanh nghiệp cần phân biệt các nhóm đối tượng GTGT này khi khấu trừ đầu vào, kê khai và xuất hóa đơn. Cụ thể như sau:
Đối tượng không chịu thuế GTGT | Đối tượng không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT | Đối tượng chịu thuế suất giá trị gia tăng 0% | |
Khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào | Không được khấu trừ đầu vào | Được khấu trừ đầu vào | Được khấu trừ đầu vào |
Kê khai thuế giá trị gia tăng đầu vào trên tờ khai | Khai ở chỉ tiêu 24 | Khai ở chỉ tiêu 24, 25 | Khai ở chỉ tiêu 24, 25 |
Kê khai thuế giá trị gia tăng đầu ra trên tờ khai | Khai ở chỉ tiêu 26 | Khai ở chỉ tiêu 32a | Khai ở chỉ tiêu 29 |
Thể hiện thuế GTGT đầu ra trên hóa đơn xuất cho khách hàng |
– Giá bán: 100 – Thuế suất: \ – Tiền thuế GTGT: \ – Tổng thanh toán: 100 |
– Giá bán: 100 – Thuế suất: \ – Tiền thuế GTGT: \ – Tổng thanh toán: 100 |
– Giá bán: 100 – Thuế suất: 0% – Tiền thuế GTGT: 0 – Tổng thanh toán: 100 |
Trên đây là những quy định quan trọng về đối tượng chịu thuế GTGT và đối tượng không chịu thuế GTGT được cập nhật mới nhất từ MAN – Master Accountant Network. Mong rằng bài viết này đã cung cấp cho bạn kiến thức hữu ích về thuế giá trị gia tăng để có thể áp dụng và thực tiễn công việc và cuộc sống.
Xem tiếp: Hoàn thuế là gì? Đối tượng, thủ tục, điều kiện hoàn thuế GTGT?
Ban biên tập: MAN – Master Accountant Network
Nội dung liên quan
Chuyển giá Tin tức
Chuyển giá Tin tức
Tin tức Chuyển giá
Tin tức Báo cáo Thuế
Tin tức Báo cáo Thuế
Tin tức Báo cáo Thuế