Công tác phí có tính thuế TNCN hay không là thắc mắc của không ít doanh nghiệp và người lao động. Công tác phí là khoản tiền mà cá nhân nhận được khi phải đi công tác hoặc di chuyển từ nơi này đến nơi khác do yêu cầu của công việc. Trong bài viết này, MAN sẽ giải đáp thắc mắc tiền công tác phí có phải chịu thuế thu nhập cá nhân không.
Công tác phí được hiểu là gì và gồm những khoản nào?
Khoản 1 Điều 3 Thông tư 40/2017/TT-BTC đã định nghĩa về công tác phí như sau:
Công tác phí là khoản chi phí để trả cho người đi công tác trong nước, bao gồm: Chi phí đi lại, phụ cấp lưu trú, tiền thuê phòng nghỉ nơi đến công tác, cước hành lý và tài liệu mang theo để làm việc (nếu có).
Tuy nhiên định nghĩa trên đây chỉ áp dụng đối với các cơ quan nhà nước. Nếu là doanh nghiệp tư nhân thì công tác phí có thể hiểu như sau:
Công tác phí là khoản chi phí mà người lao động nhận được khi đi công tác, trong đó có tiền phụ cấp công tác, tiền thuê nơi ở, cước phí tài liệu và hành lý, chi phí di chuyển.
Giải đáp công tác phí có tính thuế thu nhập cá nhân hay là không?
Khi phải kê khai thuế thu nhập cá nhân, rất nhiều người đặt ra câu hỏi: “Tiền công tác phí có tính thuế TNCN không?”. Để giải đáp cho thắc mắc này, hãy cùng tìm hiểu một số quy định pháp luật có liên quan đến công tác phí:
Khoản 2 Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC đã quy định rõ khi xác định thu nhập chịu thuế thì những khoản chi phí sau đây sẽ không được trừ:
- Chi phụ cấp tàu xe đi nghỉ phép trái với quy định của Bộ Luật Lao động.
Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC cũng đã chỉ rõ các khoản thu nhập chịu thuế bao gồm:
– Thu nhập từ tiền công, tiền lương.
– Phần khoán chi trang phục, tiền điện thoại, công tác phí, văn phòng phẩm… cao hơn quy định Nhà nước hiện hành. Mức khoán chi không nằm trong diện thu nhập chịu thuế trong các trường hợp dưới đây:
- Mức khoán chi áp dụng dựa trên văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính đối với những cán bộ, công chức và người làm việc tại các cơ quan hành chính sự nghiệp, Hiệp hội, Hội, đoàn thể, Đảng.
- Mức khoán chi áp dụng phù hợp với mức xác định thu nhập chịu thuế TNDN căn cứ trên các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thuế TNDN đối với người lao động làm việc tại các văn phòng đại diện, các tổ chức kinh doanh.
- Mức khoán chi áp dụng theo quy định của Tổ chức quốc tế, văn phòng đại diện của tổ chức nước ngoài đối với người lao động làm việc tại các tổ chức quốc tế hoặc văn phòng đại diện của tổ chức nước ngoài.
Xem thêm: Cách tính thu nhập chịu thuế TNCN cơ bản, nhanh nhất
Quy định về hạn mức đối với chi tiền công tác phí theo ngày
Căn cứ theo Thông tư 96/2015/TT-BTC hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp tại Nghị định 12/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 78/2014/TT-BTC, Thông tư 119/2014/TT-BTC, Thông tư 151/2014/TT-BTC do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành thì khoản chi phụ cấp công tác cho cán bộ và người lao động sẽ tùy thuộc vào quy chế nội bộ của doanh nghiệp và không có mức khống chế đối với khoản chi này.
Khi xác định thu nhập chịu thuế, phụ cấp cho người lao động đi công tác, chi phí di chuyển và tiền thuê nơi ở cho người lao động trong quá trình đi công tác sẽ thuộc diện chi phí được trừ nếu khoản chi đó có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp lệ. Nếu doanh nghiệp khoán tiền phụ cấp, tiền ở, tiền đi lại cho người lao động khi đi công tác và tuân thủ đúng quy chế nội bộ hoặc quy chế tài chính của đơn vị mình thì khoản tiền này sẽ được tính vào chi phí được trừ khoản chi khoán tiền phụ cấp, tiền ở, tiền đi lại.
Nếu công ty cử người lao động đi công tác trong hoặc ngoài nước và phát sinh chi phí từ 20.000.000 đồng trở lên, chi phí mua vé máy bay mà những khoản phí này do cá nhân thanh toán bằng thẻ ngân hàng thì đáp ứng điều kiện là hình thức thanh toán không dùng tiền mặt và được tính vào chi phí được trừ. Ngoài ra còn có một điều kiện khác như sau:
- Có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp lệ được xuất bởi nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ.
- Công ty có văn bản hoặc quyết định cử người lao động đi công tác.
- Quy chế nội bộ hoặc quy chế tài chính của công ty cho phép người lao động được phép thanh toán những khoản tiền mua vé máy bay hoặc công tác phí bằng thẻ ngân hàng đứng tên người lao động và các khoản chi phí này sau đó được công ty thanh toán và chuyển lại cho cá nhân.
Trong trường hợp công ty cử người lao động đi công tác để phục vụ công việc sản xuất kinh doanh của đơn vị mình và ủy quyền cho cá nhân tự mua vé máy bay sau đó trả bằng thẻ tín dụng/thẻ ATM đứng tên cá nhân rồi về thanh toán lại với công ty: Nếu công ty có đầy đủ chứng từ, hồ sơ chứng minh những khoản chi phí này nhằm mục đích phục vụ sản xuất kinh doanh, gồm: thẻ lên máy bay, vé máy bay, một số giấy tờ liên quan đến việc cử người lao động đi công tác với xác nhận của doanh nghiệp, quy định của công ty cho phép người lao động trả công tác phí với thẻ cá nhân do cá nhân được cử đi công tác đứng tên chủ thẻ và thanh toán lại với doanh nghiệp, chứng từ thanh toán tiền vé của công ty cho người lao động mua vé và chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt của người tham gia vận chuyển thì công ty có thể kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào và được tính là chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn về tính hợp pháp của các chứng từ, hồ sơ nêu trên. Như vậy có thể thấy, công ty có thể áp dụng mức khoán công tác phí phù hợp với tình hình tài chính của đơn vị mình mà không bị giới hạn về mức chi.
Lưu ý về trường hợp người lao động công tác 15 ngày mà không khoán
Thông tư 96/2015/TT-BTC đã nêu rõ, nếu khoản chi cho cán bộ, người lao động trong vòng 15 ngày mà không khoán và đi kèm với đầy đủ hóa đơn, chứng từ sẽ được đưa vào chi phí.
Nếu doanh nghiệp đã khoán tiền phụ cấp, thuê chỗ ở, đi lại trong quy chế nội bộ hoặc quy chế tài chính của đơn vị mình thì cần tuân thủ đúng mức khoán chi theo quy định.
Bên cạnh đó, Công văn 69792/CT-TTHT do Cục thuế TP. Hà Nội ban hành ngày 10/11/2016 cũng quy định cụ thể:
- Nếu doanh nghiệp có khoán chi tiền điện thoại, công tác phí, văn phòng phẩm… cho cán bộ, người lao động đi công tác phù hợp với mức khoán chi được nêu tại quy chế nội bộ hoặc quy chế tài chính của doanh nghiệp thì doanh nghiệp có thể tính khoản chi này là chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
- Người lao động đi công tác nhận khoản chi nằm trong mức khoán của doanh nghiệp sẽ không phải tính vào thu nhập chịu thuế TNCN. Nếu doanh nghiệp chi trả cho người lao động nhiều hơn mức khoán chi đã quy định thì khoản tiền chi cao hơn mức khoán chi sẽ được tính vào thu nhập chịu thuế TNCN.
Kết luận tiền công tác phí có tính thuế TNCN hay không?
Như vậy với câu hỏi tiền công tác phí có tính thuế TNCN không có thể trả lời như sau: Nếu công ty khoán chi phí phụ cấp cho cá nhân được cử đi công tác phù hợp với quy chế nội bộ hoặc quy chế tài chính của doanh nghiệp thì tiền công tác phí sẽ không nằm trong diện thu nhập chịu thuế TNCN của cán bộ đi công tác.
Như vậy là bạn đã tìm được lời giải đáp cho câu hỏi công tác phí có tính thuế TNCN không rồi. Nếu có bất cứ thắc mắc nào về thuế thu nhập cá nhân, đừng ngần ngại gọi đến hotline của MAN để được giải đáp tận tình nhất.
Đọc tiếp: Ví dụ cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp, thông tin cụ thể nhất
Ban biên tập: MAN – Master Accountant Network
Nội dung liên quan
Tin tức
Tin tức
Tin tức
Tin tức
Tin tức
Tin tức