Đối tượng kiểm toán (ĐTKT) là khái niệm quan trọng được nhắc đến thường xuyên trong hoạt động kiểm toán. Vậy kiểm toán xoay quanh những đối tượng nào và đâu là những yếu tố hình thành nên các ĐTKT? Hãy cùng MAN – Master Accountant Network tìm lời giải đáp cho những vấn đề này trong bài viết sau đây nhé.
Khái quát chung đối tượng kiểm toán là gì?
Đối tượng kiểm toán được hiểu là toàn bộ những vấn đề cần được kiểm toán trước tiên và thường là tình hình hoạt động tài chính của đơn vị được kiểm toán.
Trước hết, đối tượng của kiểm toán chính là những tài liệu kế toán bởi đây là đối tượng quan tâm hàng đầu của những người quan tâm đến báo cáo kiểm toán và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Các tài liệu kế toán này thường gồm có: Chứng từ kế toán, các sổ sách, bảng kết quả kinh doanh, bảng cân đối kế toán…
Đối với những người quan tâm, các tài liệu và số liệu kế toán sẽ không có ý nghĩa nếu không được gắn liền tình hình tài chính của doanh nghiệp. Sở dĩ điều này là do giới hạn về phương tiện xử lý thông tin, trình độ và tính chất phức tạp của các quan hệ tài chính khiến cho kế toán viên không thể thu thập được toàn bộ các thông tin tài chính. Do đó, đối tượng của kiểm toán không chỉ dừng lại ở những tài liệu kế toán. Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu quản lý và sự phát triển của ngành kế toán, kiểm toán còn hướng tới những đối tượng khác như: Hiệu quả sử dụng các nguồn lực, hiệu năng của những dự án, chương trình, mục tiêu cụ thể.
Những đối tượng của kiểm toán bắt buộc phải kiểm toán
Căn cứ tại Điều 15 Nghị định số 17/2012/NĐ-CP ngày 13/02/2012 và Điều 37 Luật Kiểm toán độc lập ngày 29/03/2011 thì những đối tượng sau thuộc diện bắt buộc phải kiểm toán theo quy định:
- Báo cáo tài chính (BCTC) hàng năm của các Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
- BCTC hàng năm của Tổ chức tín dụng được thành lập và hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng, bao gồm cả chi nhánh ngân hàng nước ngoài đặt tại Việt Nam.
- BCTC hàng năm của các doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm tổ chức tài chính và các chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.
- BCTC hàng năm của Công ty đại chúng, tổ chức phát hành và tổ chức kinh doanh chứng khoán.
- BCTC hàng năm của Doanh nghiệp nhà nước (không bao gồm doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực thuộc bí mật nhà nước theo quy định).
- Báo cáo quyết toán dự án hoàn thành của Doanh nghiệp, tổ chức thực hiện dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A sử dụng vốn nhà nước (không bao gồm các dự án trong lĩnh vực thuộc bí mật nhà nước theo quy định).
- BCTC hàng năm của Doanh nghiệp, tổ chức mà những tập đoàn, tổng công ty mà Nhà nước sở hữu từ 20% quyền biểu quyết trở lên tại thời điểm cuối năm tài chính.
- BCTC hàng năm của Doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh DN kiểm toán nước ngoài ở Việt Nam.
- BCTC hàng năm của dự án được tài trợ từ nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi phải được kiểm toán bởi kiểm toán độc lập hoặc kiểm toán nhà nước dựa trên thỏa thuận với nhà tài trợ.
Những yếu tố hình thành nên đối tượng kiểm toán
Các đối tượng của kiểm toán được hình thành nên bởi những yếu tố sau đây:
Thực trạng hoạt động tài chính
Đây chính là đối tượng chung mà kiểm toán hướng đến. Hoạt động tài chính là việc sử dụng tiền hay nguồn lực tài chính để giải quyết những mối quan hệ về kinh tế trong thanh toán, phân phối, đầu tư, kinh doanh để đạt được các lợi ích kinh tế cụ thể nào đó.
Trong trường hợp này, các mối quan hệ tài chính mới được coi là nội dung bên trong của hoạt động tài chính, còn tiền chỉ đóng vai trò là hình thức biểu hiện và là phương tiện giúp giải quyết những mối quan hệ kinh tế này.
Tài liệu kế toán
Tài liệu kế toán được coi là đối tượng cụ thể của kiểm toán. Chúng là hệ thống những bảng biểu, sổ sách, chứng từ và các báo cáo tài chính kế toán. Tài liệu kế toán và đặc biệt là bảng khai tài chính luôn thu hút sự quan tâm của nhiều người, do đó đây cũng là các đối tượng thường xuyên và trực tiếp của bất cứ cuộc kiểm toán nào. Tài liệu kế toán có nhiều ý nghĩa quan trọng như:
- Tài liệu kế toán (nhất là những bảng khai tài chính) là căn cứ tổng kết các chỉ tiêu ở phạm vi rộng, giúp kiểm tra, bảo vệ và lưu trữ tài sản và là cơ sở quan trọng để những người quan tâm đến tài liệu kế toán đưa ra các quyết định về phân phối, thanh toán, đầu tư, quản lý…
- Trong bối cảnh cơ chế thị trường như hiện nay, những người quan tâm đến tài liệu kế toán tăng nhanh về số lượng. Đặc biệt, họ cũng đặt ra yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng của các tài liệu kế toán.
- Bên cạnh đó, các kế toán viên và những người quan tâm cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn khi phản ánh những quan hệ phức tạp, nhất là các quan hệ mới phát sinh. Điều này bắt nguồn từ kết cấu của các bảng khai tài chính và tính chất phức tạp của quá trình xử lý thông tin kế toán.
- Sự nhận thức và tổ chức khác nhau, chế độ kế toán thay đổi… do sự cách biệt về chuẩn mực kế toán và những điều kiện thực hiện nó giữa các thời kỳ, các quốc gia…
- Do các thực tiễn này nên đối tượng trước tiên của kiểm toán chính là tài liệu kế toán. Việc kiểm toán các tài liệu kế toán sẽ giúp xây dựng niềm tin đối với những người quan tâm, cải tiến tổ chức và củng cố nề nếp nhằm cải thiện chất lượng kế toán.
Thực trạng tài sản và các nghiệp vụ tài chính
Một đối tượng cụ thể khác của kiểm toán chính là thực trạng tài sản và các nghiệp vụ tài chính. Trong kinh doanh, tài sản được hình thành từ nhiều nguồn đa dạng, có dạng vật chất và được thể hiện qua những nghiệp vụ cụ thể. Ngoài ra, tài sản cũng luôn vận động và căn cứ trên quá trình vận động này cùng với đặc tính của mỗi loại tài sản, mối quan hệ kinh tế của từng loại và sự đa dạng về nghiệp vụ mà người ta chia kiểm toán ra thành những phần hành cụ thể tương ứng với các đối tượng khác nhau. Dưới đây là các phần hành kiểm toán chủ yếu:
- Kiểm toán các nghiệp vụ về quỹ hoặc tiền mặt: Tiền mặt có rủi ro cao và biên độ dao động lớn, vì vậy cần thực hiện kiểm toán các nghiệp vụ tiền mặt một cách toàn diện và liên tục.
- Kiểm toán các nghiệp vụ về thanh toán, giao dịch: Các nghiệp vụ về giao dịch hiện nay vô cùng đa dạng. Do đó tùy theo từng loại nghiệp vụ mà kiểm toán viên sẽ áp dụng phương pháp phù hợp.
- Kiểm toán các nghiệp vụ về vật tư: Trong quá trình sản xuất kinh doanh, vật tư sẽ liên tục được luân chuyển qua các khâu nhập, xuất và tồn kho của vật tư. Khi tiến hành kiểm toán nghiệp vụ về vật tư thì cần đánh giá việc sử dụng, bảo quản vật tư ra sao.
- Kiểm toán các nghiệp vụ của quá trình kinh doanh: Thông thường, quá trình kinh doanh sẽ trải qua 3 giai đoạn chính, đó là cung cấp, sản xuất và tiêu thụ. Tùy từng giai đoạn kiểm toán mà kiểm toán viên sẽ áp dụng những thủ tục kiểm toán cụ thể.
- Kiểm toán các nghiệp vụ tạo vốn – hoàn trả vốn: Trong quá trình doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, các nghiệp vụ về số dư không phát sinh quá nhiều tuy nhiên khi phát sinh thì số tiền lại rất lớn và trọng yếu. Vì vậy khi kiểm toán những nghiệp vụ này, KTV cần chú trọng đến các tiêu chí như: Kế toán có sử dụng và huy động vốn hợp lý không, có hạch toán đầy đủ không…
Hiệu quả và hiệu năng
Hiệu quả và hiệu năng là đối tượng cụ thể của kiểm toán, đối tượng này mới phát sinh và đang phát triển nhanh chóng từ thập kỷ 80 của thế kỷ XX. Sự mở rộng đối tượng kiểm toán này nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn của quản lý trong bối cảnh hoạt động sự nghiệp và quy mô kinh doanh không ngừng mở rộng nhưng giới hạn về nguồn lực ngày càng tăng lên. Bên cạnh đó, vấn đề hiệu quả và hiệu năng của từng nghiệp vụ cụ thể càng thể hiện vai trò quan trọng trong bối cảnh cạnh tranh leo thang, doanh nghiệp nào cũng mong muốn chiếm được ưu thế. Dưới đây là một số đặc điểm của đối tượng hiệu quả và hiệu năng trong kiểm toán:
- Hiệu quả và hiệu năng luôn gắn liền với một dự án, chương trình hoặc nghiệp vụ cụ thể và là một bộ phận của kiểm toán nghiệp vụ.
- Trước khi kiểm toán hiệu quả – hiệu năng, kiểm toán viên cần xác định những chuẩn mực rõ ràng và cụ thể. Những chuẩn mực này có thể là các chỉ tiêu kinh tế, các thông số kỹ thuật, nội quy, quy trình, mục tiêu…
- Thông thường, việc xác định các chuẩn mực đối với kiểm toán hiệu quả sẽ đơn giản hơn so với chuẩn mực kiểm toán hiệu năng.
Các tài liệu tham khảo liên quan đến đối tượng kiểm toán
Ngoài những thông tin trên, bạn có thể tham khảo một số tài liệu liên quan đến đối tượng kiểm toán như sau:
- Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 số 81/2015/QH13 ngày 24 tháng 06 năm 2015, Điều 4 quy định về đối tượng kiểm toán của Kiểm toán nhà nước.
- Quyết định 633/QĐ-TTg năm 2022 về phê duyệt Chiến lược kế toán – kiểm toán đến năm 2030 cũng đề cập đến các ĐTKT.
- Nghị định số 05/2019/NĐ-CP quy định về các đối tượng của kiểm toán nội bộ.
- Phần I mục Những quy định chung của Thông tư 22-TC/CĐKT đề cập đến đối tượng của kiểm toán độc lập.
- Điều 15 Nghị định số 17/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012 về đối tượng kiểm toán báo cáo tài chính.
Như vậy là bạn đã nắm được những thông tin quan trọng và cập nhật về đối tượng kiểm toán rồi. Toàn bộ các thông tin này đều được đội ngũ kiểm toán viên của MAN – Master Accountant Network cung cấp và tổng hợp dựa trên những quy định pháp luật hiện hành. Quý doanh nghiệp cần được tư vấn hoặc giải đáp thắc mắc vui lòng liên hệ hotline: 0903 963 163 để được hỗ trợ kịp thời.
Ban biên tập: MAN – Master Accountant Network
Nội dung liên quan
Tin tức
Tin tức
Tin tức
Tin tức
Tin tức
Tin tức