Kế hoạch kiểm toán có vai trò vô cùng quan trọng bởi nó giúp định hướng toàn bộ quy trình kiểm toán sau này. Chính vì vậy đối với bất cứ cuộc kiểm toán nào thì kiểm toán viên cũng không thể bỏ qua bước lập kế hoạch trước khi bắt tay vào kiểm toán. Sau đây, hãy cùng MAN – Master Accountant Network tìm hiểu kế hoạch kiểm toán là gì và mẫu lập kế hoạch kiểm toán đạt hiệu quả cao nhất.
Tổng quát về kế hoạch kiểm toán BCTC
Lên kế hoạch là giai đoạn đầu của mỗi cuộc kiểm toán. Chỉ khi có được kế hoạch phù hợp thì việc thu thập bằng chứng kiểm toán mới diễn ra một cách thuận lợi, đúng trọng tâm. Dưới đây là một số thông tin tổng quan về kế hoạch kiểm toán báo cáo tài chính (BCTC):
Khái niệm và ý nghĩa của việc lập kế hoạch kiểm toán
Lập kế hoạch kiểm toán (Audit Planning) là việc đưa ra những quy trình cụ thể mà người kiểm toán viên phải tuân thủ khi thực hiện kiểm toán. Thông qua hoạt động lập kế hoạch mà kiểm toán viên có thể thu thập các bằng chứng kiểm toán đầy đủ, thích hợp dựa trên giới hạn về thời gian và chi phí của cuộc kiểm toán. Từ đó hạn chế tối đa những bất đồng giữa các thành viên trong nhóm kiểm toán và với khách hàng là đơn vị được kiểm toán.
Việc lập kế hoạch trước khi thực hiện kiểm toán giúp cho kiểm toán viên và công ty kiểm toán đảm bảo rằng cuộc kiểm toán diễn ra một cách hiệu quả nhất.
Vị trí của lập kế hoạch kiểm toán trong chuỗi các bước kiểm toán
Lên kế hoạch kiểm toán chính là giai đoạn đầu tiên trong chuỗi các bước kiểm toán nhằm thiết lập những điều kiện pháp lý và các điều kiện thiết yếu khác phục vụ hoạt động kiểm toán.
Quy định pháp lý quan trọng liên quan đến việc lập kế hoạch kiểm toán
Hoạt động lập kế hoạch trước khi kiểm toán đã được quy định thành hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 300. Theo đó:
- “Kiểm toán viên và công ty kiểm toán phải lập kế hoạch kiểm toán để đảm bảo cuộc kiểm toán được tiến hành một cách có hiệu quả.”
- “Kế hoạch kiểm toán phải được lập một cách thích hợp nhằm đảm bảo bao quát hết các khía cạnh trọng yếu của cuộc kiểm toán; phát hiện gian lận, rủi ro và những vấn đề tiềm ẩn; và đảm bảo cuộc kiểm toán được hoàn thành đúng thời hạn.”
Hướng dẫn các bước cụ thể trong quy trình lập kế hoạch kiểm toán
Để đảm bảo việc lập kế hoạch trước khi kiểm toán đáp ứng được các mục tiêu của VSA 300 thì quy trình lập kế hoạch kiểm toán thường bao gồm 5 bước sau:
Chuẩn bị cho quy trình kế hoạch kiểm toán
Khâu chuẩn bị kế hoạch kiểm toán gồm 3 bước đó là: Tiếp nhận khách hàng, Phân công kiểm toán viên và Ký kết hợp đồng kiểm toán.
Tiếp nhận khách hàng
Khâu đầu tiên trong quy trình chuẩn bị lập kế hoạch đó là tiếp nhận khách hàng, đối tượng kiểm toán. Khi nhận được yêu cầu kiểm toán, công ty kiểm toán (CTKT) cần giao nhiệm vụ cho các KTV giàu kinh nghiệm để đánh giá về khả năng hoàn thành nhiệm vụ, thời gian và chi phí thực hiện kiểm toán.
Việc đánh giá khả năng chấp nhận yêu cầu kiểm toán đóng vai trò vô cùng quan trọng bởi kết quả kiểm toán có thể làm ảnh hưởng đến uy tín của CTKT và làm gia tăng rủi ro đối với hoạt động của KTV.
Phân công kiểm toán viên
Sau khi đã cân nhắc kỹ lưỡng về khả năng chấp nhận yêu cầu kiểm toán, CTKT sẽ dự đoán mức độ phức tạp của cuộc kiểm toán và dựa vào đó để thành lập nhóm kiểm toán phù hợp. Để chọn ra đội ngũ KTV cần dựa trên yêu cầu về chuyên môn kỹ thuật, trình độ khả năng, số lượng thành viên trong nhóm… Công việc này thường được chỉ đạo trực tiếp bởi Ban lãnh đạo của CTKT.
Ký kết hợp đồng kiểm toán
Nếu đã chấp nhận yêu cầu kiểm toán của khách hàng thì CTKT có thể tiến hành đàm phán để ký kết hợp đồng kiểm toán. Ở giai đoạn này, CTKT và khách hàng sẽ thảo luận với nhau về một số điều khoản trong hợp đồng kiểm toán, bao gồm: Mục đích và phạm vi kiểm toán, trách nhiệm của kiểm toán viên và Ban lãnh đạo công ty khách hàng, cách thức thông báo kết quả kiểm toán, tiến độ hoàn thành kiểm toán, cơ sở tính chi phí kiểm toán, hình thức thanh toán…
Nếu cả CTKT và công ty khách hàng đều thống nhất các điều khoản của hợp đồng thì hai bên sẽ ký kết hợp đồng kiểm toán. Đây là thỏa thuận chính thức giữa CTKT và khách hàng về hoạt động kiểm toán cũng như các dịch vụ liên quan khác. Sau khi đã chính thức ký hợp đồng thì CTKT sẽ trở thành chủ thể kiểm toán chính thức của công ty khách hàng.
Tiến hành thu thập thông tin về đơn vị sẽ được kiểm toán
Ở bước này, KTV sẽ xây dựng kế hoạch kiểm toán tổng quát. Để hoàn thành những mục tiêu đề ra và đảm bảo chất lượng cuộc kiểm toán đòi hỏi KTV cần nắm được thông tin về khách hàng một cách đầy đủ và toàn diện cùng những hiểu biết có liên quan:
- Hiểu biết chung về nền kinh tế: Các chính sách của Chính phủ, tình hình nền kinh tế, mức độ lạm phát…
- Hiểu biết về môi trường và ngành nghề hoạt động của khách hàng: các chuẩn mực và chế độ kế toán, các đặc điểm của ngành nghề kinh doanh, tình hình thị trường và cạnh tranh cũng như một số quy định pháp luật khác liên quan đến lĩnh vực của đơn vị được kiểm toán…
- Nhận diện những bên hữu quan với đơn vị được kiểm toán: Chủ sở hữu chính thức, các bộ phận trực thuộc của doanh nghiệp khách hàng hoặc bất cứ cá nhân, tổ chức nào có quan hệ với khách hàng và những cá nhân, tổ chức đó nắm quyền kiểm soát, điều hành hoặc có tác động đáng kể đến những chính sách quản trị, chính sách kinh doanh của doanh nghiệp khách hàng.
- Những thông tin về nội bộ công ty khách hàng, bao gồm tiềm lực tài chính, tình hình kinh doanh, đặc điểm về sở hữu và quản lý…
- Thu thập, xem xét những dữ liệu liên quan đến tình hình kinh doanh của công ty khách hàng, đó có thể là các chế độ, văn bản luật, chính sách, các nội quy công ty, cam kết hoặc hợp đồng quan trọng, các biên bản, giấy phép thành lập, điều lệ công ty…
- Đánh giá lại hồ sơ kiểm toán chung và kết quả của cuộc kiểm toán trước đó.
- Thăm quan văn phòng làm việc, cửa hàng, kho xưởng, nhà xưởng… của công ty khách hàng.
- Phỏng vấn các công nhân viên, cán bộ quản lý của công ty khách hàng.
Sau khi đã nắm được cái nhìn tổng quan về hoạt động kinh doanh của đơn vị, CTKT có thể thuê chuyên gia bên ngoài nếu như công ty nhận thấy không có KTV nào có đủ khả năng hoặc chuyên môn về phương diện đặc thù nào đó để tiến hành một số thủ tục kiểm toán thiết yếu nhất định, ví dụ như tư vấn pháp lý về các hợp đồng, đánh giá vàng bạc, đá quý, đánh giá nghệ thuật…
Đánh giá, nhận xét tính trọng yếu và rủi ro của kiểm toán
Dựa trên những dữ liệu đã thu thập được, KTV sẽ đưa ra đánh giá về tính trọng yếu và rủi ro của cuộc kiểm toán:
- Đánh giá tính trọng yếu: Trong các bước lập kế hoạch kiểm toán, việc đánh giá tính trọng yếu là vô cùng quan trọng để KTV có thể dự đoán mức độ sai phạm có thể có trong BCTC, khoanh vùng phạm vi cuộc kiểm toán và đánh giá những ảnh hưởng của các sai phạm đó đối với BCTC. Từ đó KTV có thể xác định được bản chất, thời gian và phạm vi tiến hành những cuộc khảo sát kiểm toán. Ở giai đoạn này, KTV phải đánh giá mức trọng yếu đối với toàn bộ BCTC, sau đó phân bổ mức đánh giá thu được cho từng khoản mục trên BCTC.
- Đánh giá rủi ro kiểm toán: KTV cần nhận diện những rủi ro kiểm toán mong muốn (AR). Có hai yếu tố quyết định mức rủi ro này, đó là Khả năng khách hàng phải đối mặt với khó khăn tài chính sau khi công bố báo cáo kiểm toán và Mức độ mà người quan tâm sẽ tin tưởng và BCTC. Bên cạnh đó, KTV cũng cần xem xét những loại rủi ro cố hữu (IR), rủi ro kiểm soát (CR) và rủi ro phát hiện (DR).
Lên kế hoạch kiểm toán tổng thể toàn diện
Ở bước này, KTV sẽ lập kế hoạch kiểm toán tổng thể toàn diện dựa trên kế hoạch chiến lược:
– Kế hoạch chiến lược
- Lập kế hoạch chiến lược đối với những cuộc kiểm toán phức tạp, có quy mô lớn và được tiến hành trên phạm vi rộng hoặc kiểm toán BCTC của các doanh nghiệp trong nhiều năm.
- Khi xây dựng kế hoạch chiến lược cần xác định rõ các định hướng, mục tiêu kiểm toán cơ bản và những nội dung then chốt, các phương pháp tiếp cận vấn đề, tiến trình thực hiện cuộc kiểm toán
– Kế hoạch kiểm toán tổng thể cho đơn vị được kiểm toán được xây dựng dựa trên kế hoạch chiến lược. Đây là kế hoạch được lập cho mọi cuộc kiểm toán, cung cấp thông tin cụ thể về phạm vi dự kiến và những phương pháp tiến hành kiểm toán. Có thể nói kế hoạch tổng thể là bản kế hoạch quan trọng nhất được đưa ra sau cùng, là căn cứ để xây dựng các chương trình kiểm toán.
Thiết kế, xây dựng chương trình kiểm toán
Nhiệm vụ cuối cùng mà KTV cần thực hiện khi lập kế hoạch kiểm toán báo cáo tài chính đó chính là thiết kế, xây dựng chương trình kiểm toán. Chương trình kiểm toán sẽ bao gồm các dự kiến cụ thể, chi tiết về những công việc cần được hoàn thành trong khoảng thời gian nhất định, cùng với đó là sự phân công công việc giữa các KTV dựa trên các dự kiến về tư liệu, những thông tin liên quan được thu thập để sử dụng.
Một chương trình kiểm toán sẽ được cấu thành bởi 3 phần chính, đó là trắc nghiệm công việc, trắc nghiệm phân tích và trắc nghiệm trực tiếp số dư. Mỗi loại hình trắc nghiệm đều được xây dựng dựa trên 4 nội dung cơ bản gồm:
- Xác định các thủ tục kiểm toán
- Quy mô mẫu lựa chọn
- Các khoản mục được lựa chọn
- Thời gian thực hiện kiểm toán
Trên đây là toàn bộ các bước công việc trong lập kế hoạch kiểm toán mà các kiểm toán viên cần nắm vững. Có thể thấy, mặc dù là khâu đầu tiên nhưng việc lập kế hoạch trước khi thực hiện kiểm toán lại có ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kiểm toán. Mong rằng bài viết này đã giúp bạn nắm được quy trình xây dựng kế hoạch kiểm toán đúng đắn để áp dụng vào thực tế công việc.
Ban biên tập: MAN – Master Accountant Network
Nội dung liên quan
Tin tức
Tin tức
Tin tức
Tin tức
Tin tức
Tin tức