Thu nhập chịu thuế và thu nhập tính thuế là hai khái niệm khác nhau cần được phân biệt rõ ràng. Trên thực tế, cả hai loại thu nhập này đều đã được pháp luật quy định cụ thể nhưng đôi khi vẫn thường bị nhầm lẫn với nhau. Trong bài viết này, MAN sẽ giúp bạn phân biệt thu nhập chịu thuế khác với thu nhập tính thuế ở điểm gì và cách xác định chúng ra sao.
Thu nhập chịu thuế là như thế nào?
Thu nhập chịu thuế được hiểu là căn cứ, cơ sở để dựa vào đó người nộp thuế có thể xác định được thu nhập tính thuế của mình là bao nhiêu.
Những khoản thu nhập nào cần phải chịu thuế?
Theo quy định, thu nhập chịu thuế được chia thành 2 loại là Thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân và Thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp:
– Thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN): Là các khoản thu nhập chịu thuế từ tiền công, tiền lương và những khoản thu nhập chịu thuế khác có tính chất tiền công, tiền lương mà đơn vị chi trả cho các cá nhân (Bao gồm cả những khoản tiền công, tiền lương mà cá nhân được trả khi làm việc tại khu kinh tế).
– Thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN): Là những khoản thu nhập phát sinh từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và một số nguồn thu nhập khác như:
- Thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán, chuyển nhượng vốn.
- Thu nhập từ chuyển nhượng quyền thăm dò khai thác và chế biến khoáng sản, chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng bất động sản.
- Thu nhập từ quyền sở hữu và sử dụng tài sản.
- Thu nhập từ cho thuê dưới mọi hình thức.
- Thu nhập từ thanh lý, chuyển nhượng tài sản.
- Thu nhập từ tiền lãi gửi, lãi cho vay vốn.
- Thu nhập từ việc bán ngoại tệ.
- Thu nhập từ chênh lệch tỷ giá.… (Quy định chi tiết có tại Điều 7 Thông tư 78/2014 được sửa đổi bởi Điều 5 Thông tư 96/2015).
Các khoản thu nhập sẽ được miễn trừ thuế
Khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC đã quy định rõ những khoản thu nhập không chịu thuế TNCN bao gồm:
– Mức khoán chi phí văn phòng phẩm, trang phục, điện thoại, công tác phí
– Các khoản trợ cấp và phụ cấp không chịu thuế TNCN:
- Trợ cấp một lần và trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hàng tháng đối với người có công theo quy định của pháp luật.
- Trợ cấp một lần, trợ cấp hàng tháng dành cho những người làm nhiệm vụ quốc tế, tham gia kháng chiến, thanh niên xung phong…
- Phụ cấp quốc phòng, an ninh; trợ cấp cho lực lượng vũ trang.
- Phụ cấp độc hại, nguy hiểm dành cho những công việc, ngành nghề ở nơi có yếu tố độc hại, nguy hiểm.
- v.v (Xem thêm Khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC).
– Khoản tiền ăn trưa và ăn giữa ca
– Chi phí nhà ở, điện, nước (nếu có)
– Chi phí đóng bảo hiểm nhân thọ hoặc bảo hiểm không bắt buộc
– Chi phí phương tiện đưa đón người lao động
– Tiền đám hiếu, hỉ cho bản thân và gia đình
– Chi phí đào tạo nâng cao trình độ, tay nghề người lao động
– Các khoản tiền thưởng không chịu thuế TNCN
- Tiền thưởng kèm theo các danh hiệu mà Nhà nước phong tặng.
- Tiền thưởng kèm theo giải thưởng quốc gia, quốc tế được thừa nhận bởi Nhà nước Việt Nam.
- Tiền thưởng về các phát sinh, sáng chế, cải tiến kỹ thuật được công nhận bởi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
- Tiền thưởng cho việc phát hiện và khai báo những hành vi vi phạm pháp luật với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Thu nhập tính thuế là gì?
Thu nhập tính thuế là khoản thu nhập được xác định dựa trên thu nhập chịu thuế và những khoản giảm trừ khác như tiền bảo hiểm. Như vậy thì so với thu nhập chịu thuế, thu nhập tính thuế là khái niệm mang ý nghĩa rộng hơn.
Tương ứng với các khoản Thu nhập chịu thuế TNCN và Thu nhập chịu thuế TNDN sẽ có các khoản Thu nhập tính thuế TNCN và Thu nhập tính thuế TNDN:
– Thu nhập tính thuế TNCN: Là toàn bộ thu nhập chịu thuế của cá nhân đến từ tiền công, tiền lương, thu nhập từ hoạt động kinh doanh (trong đó tính cả tiền công, tiền lương, các khoản trợ cấp, phụ cấp, tiền thưởng, tiền thù lao… và khoản tiền thu được từ kinh doanh) trừ đi những loại chi phí đóng bảo hiểm y tế, xã hội, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp bắt buộc cũng như các khoản giảm trừ theo quy định.
– Thu nhập tính thuế TNDN: Là tổng doanh thu trừ đi những khoản chi phí được phép trừ quy định của pháp luật và cộng thêm những khoản thu nhập khác đã được đề cập ở trên.
Cách xác định thu nhập tính thuế từ thu nhập chịu thuế
Dựa vào thu nhập chịu thuế, bạn có thể dễ dàng xác định được thu nhập tính thuế theo các bước như sau:
- Bước 1: Xác định khoảng thời gian khai thuế là bao nhiêu.
- Bước 2: Chỉ ra những khoản thu nhập phải chịu thuế.
- Bước 3: Chỉ ra những khoản thu nhập chịu thuế được miễn trừ theo quy định.
- Bước 4: Sử dụng công thức sau đây để xác định thu nhập tính thuế:
Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế – Các khoản miễn, giảm, trừ đi trong thu nhập chịu thuế
Cách điều chỉnh tờ khai thuế bị sai thông tin thu nhập tính thuế
Không ít trường hợp người khai thuế xác định sai những khoản thu nhập chịu thuế. Khi đó người khai thuế sẽ phải chỉnh sửa thông tin trên tờ khai để đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ nộp thuế của mình. Theo quy định, người khai thuế cần đứng ra chịu trách nhiệm đối với các thông tin mà mình kê khai, do đó:
Người khai thuế buộc phải đóng đầy đủ khoản tiền thuế theo thông tin đã khai trong tờ khai (trừ trường hợp cơ quan quản lý thuế cho phép đóng thuế với khoản tiền thuế đã khai trong tờ khai điều chỉnh)
Nếu đã chỉnh sửa thông tin trong tờ khai thuế thu nhập cá nhân theo đúng thời hạn của Luật quản lý thuế thì người khai thuế sẽ không phải nộp phạt vi phạm hành chính.
Ví dụ thu nhập chịu thuế và thu nhập tính thuế chi tiết giúp dễ phân biệt
Ví dụ 1
Thu nhập chịu thuế TNCN là các khoản thu nhập gồm: Thu nhập từ đầu tư vốn, Thu nhập từ kinh doanh, Thu nhập từ tiền công, tiền lương…
Trong đó, đối với hạng mục thu nhập chịu thuế là Thu nhập từ kinh doanh thì thu nhập tính thuế sẽ bao gồm: Thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thuộc các lĩnh vực…
Ví dụ 2
Ông Minh (35 tuổi) sống và làm việc tại TPHCM. Ông đã ký kết hợp đồng lao động với công ty A và làm việc từ tháng 06/2021. Đến tháng 08/2022 thì ông Minh đạt tổng thu nhập từ tiền công, tiền lương là: 20.200.000 VNĐ:
Trong đó:
- Lương cơ bản: 7.000.000 đồng (lương tham gia BH)
- Tiền ăn: 800.000 đồng
- Tiền điện thoại: 1.000.000 đồng
- Tiền xăng xe: 3.000.000 đồng
- Tiền hỗ trợ nuôi con nhỏ: 4.400.000 đồng
- Tiền thưởng: 4.000.000 đồng
- Các khoản BH cần nộp là 9.5% (BHTN: 1%, BHYT: 1.5%, BHXH: 7%) trên mức lương tham gia BH là 7.000.000 x 9.5% = 665.000 đồng
- Ông Minh nuôi 1 con nhỏ (đã đăng ký người phụ thuộc)
Có thể thấy ông Minh đã làm việc ở công ty A trên 13 tháng, tức là đáp ứng điều kiện cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động tại một đơn vị từ 03 tháng trở lên. Như vậy các xác định thu nhập chịu thuế và thu nhập tính thuế TNCN của ông Minh như sau:
Thuế TNCN = Thu nhập tính thuế x Thuế suất
Trong đó:
- Thu nhập chịu thuế = 20.200.000 – (800.000 + 1.000.000) = 18.400.000
- Thu nhập tính thuế TNCN = 18.400.000 – (11.000.000 + 4.400.000 + 665.000) = 2.335.000
Từ (1) và (2) => ông Minh phải nộp khoản thuế TNCN là:
Cách 1: Thuế TNCN phải nộp = 0 trđ + 5% TNTT = 0 + (5% x 2.335.000) = 116.750
Cách 2: Thuế TNCN phải nộp = 5%TNTT = 5% x 2.335.000 = 116.750
Như vậy có thể thấy những điểm khác nhau cơ bản giữa thu nhập chịu thuế và thu nhập tính thuế. Hy vọng rằng bài viết này sẽ giúp bạn nắm vững hơn những kiến thức pháp luật về thu nhập chịu thuế – thu nhập tính thuế, từ đó có thể kê khai và nộp thuế một cách đầy đủ, chính xác.
Nội dung liên quan
Tin tức
Tin tức
Tin tức
Tin tức
Tin tức
Tin tức