Quyền xuất khẩu, nhập khẩu và phân phối của Doanh nghiệp FDI có khác với Doanh nghiệp trong nước?

Đối với Công ty 100% vốn trong nước thì không cần phải lo lắng về quyền được xuất khẩu hay nhập khẩu, Quyền này đã được thừa nhận là một quyền luật định theo Khoản 1 Điều 5 Luật Ngoại thương số 05/2017/QH14, miễn sao các Doanh nghiệp trong nước không xuất nhập khẩu những hàng hóa, vật phẩm bị cấm đã được công bố tại Nghị định số 187/2013/NĐ-CP.

Trong khi đó, đối với các Công ty có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI – Foreign Direct Investment), khi chỉ có một ít vốn nước ngoài thì cũng bị hạn chế về quyền xuất khẩu – quyền nhập khẩu và phân phối hay là bán buôn hoặc bán lẻ. Do đây là các hoạt động thương mại nên hoạt động kinh tế này của Doanh nghiệp FDI chịu sự điều chỉnh của Luật Thương mại số 36/2005/QH11 và Nghị định 23/2007/NĐ-CP.

Nói chung, Doanh nghiệp FDI cho dù được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp mới nhưng nếu muốn XNK nhằm mục đích thương mại, hay là mua đi – bán lại, phải xin một số các quyền một cách tương ứng.

Ví dụ, nếu muốn nhập khẩu thì xin quyền nhập khẩu, muốn xuất khẩu thì xin quyền xuất khẩu, nếu muốn bán buôn, bán lẻ đến tay người tiêu dùng thì ngoài quyền nhập khẩu phải có thêm quyền phân phối. Nếu thiếu, phải bán qua tay một doanh nghiệp khác có vốn trong nước hoặc một Doanh nghiệp FDI đã có quyền phân phối.

Hoạt động thương mại XNK của một Doanh nghiệp FDI thực sự không đơn giản như công ty vốn trong nước.

Các vướng mắc về Quyền Xuất Nhập khẩu của doanh nghiệp FDI như:

  • Quyền xuất khẩu của doanh nghiệp FDI?
  • Thực hiện quyền nhập khẩu?
  • Quyền nhập khẩu là gì?
  • Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhập khẩu?
  • Quyền xuất nhập khẩu của doanh nghiệp trong nước?
  • Quyền nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài?
  • Quyền xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI?
  • Quyền của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ?
  • Điều kiện để doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa?
    … sẽ được tham khảo trong bài viết dưới đây.

Quyền xuất khẩu của doanh nghiệp FDI – Quyền của Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, Quyền Thương mại của Doanh nghiệp FDI liên quan cần chú ý các quy định như sau.

1. Quyền Thương mại của Doanh nghiệp FDI: Từ ngày 08/03/2019 Doanh nghiệp FDI bị cấm nhập khẩu và phân phối CD, USB

Theo lộ trình quy định tại Thông tư 34/2013/TT-BCT, doanh nghiệp FDI không được thực hiện quyền nhập khẩu băng, đĩa và các phương tiện lưu trữ thông tin đã ghi âm thanh hoặc ghi các hiện tượng tương tự khác, kể cả khuôn chủ và vật chủ gốc để sản xuất băng đĩa.

Đối với vật phẩm đã ghi hình trên mọi chất liệu thì doanh nghiệp không được thực hiện quyền phân phối.

Theo đó, doanh nghiệp FDI vẫn chưa được cấp phép thực hiện quyền nhập khẩu, phân phối đối với hàng hóa là phương tiện, vật phẩm lưu trữ thông tin đã ghi, bao gồm CD, USB.

Quyền nhập khẩu, phân phối của doanh nghiệp FDI thực hiện theo quy định tại khoản 3, 4 Điều 3 Nghị định 09/2018/NĐ-CP.

(Căn cứ Công văn số 1516/BCT-KH ngày 8/3/2019)

2. Quyền Thương mại của Doanh nghiệp FDI: Từ ngày 04/03/2019 DNCX FDI có cần xin giấy phép khi bán hàng vào nội địa?

Theo Bộ Công thương, việc DNCX FDI (có vốn đầu tư nước ngoài) bán hàng hóa do doanh nghiệp sản xuất ra tại Việt Nam vào thị trường nội địa không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 09/2018/NĐ-CP.

Do đó, khi bán hàng hóa do mình sản xuất vào thị trường nội địa, DNCX FDI không cần phải xin Giấy phép kinh doanh hay Giấy phép lập cơ sở bán lẻ theo quy định của Nghị định 09/2018/NĐ-CP.

Tuy nhiên, việc bán hàng trong trường hợp này vẫn áp dụng các quy định về quản lý ngoại thương như đối với hàng hóa từ nước ngoài nhập vào Việt Nam và phải tuân thủ các nghĩa vụ thuế, tài chính, thủ tục hải quan (Điều 57 Luật Quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14).

(Căn cứ Công văn số 1372/BCT-KH ngày 4/3/2019)

3. Quyền Thương mại của Doanh nghiệp FDI: Từ ngày 30/11/2018 Được phép bán lẻ hàng hóa tự sản xuất

Theo Bộ Công thương, việc phân phối bán buôn, bán lẻ tại thị trường Việt Nam các hàng hóa do doanh nghiệp FDI sản xuất ra theo mục tiêu, dự án đầu tư đã đăng ký là quyền tiêu thụ hàng hóa của doanh nghiệp FDI và không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 09/2018/NĐ-CP.

Theo đó, khi bán buôn, bán lẻ các hàng hóa tự sản xuất, doanh nghiệp FDI không phải xin giấy phép kinh doanh, giấy phép lập cơ sở bán lẻ theo quy định tại Nghị định 09/2018/NĐ-CP. Tuy nhiên, phải đáp ứng các điều kiện sản xuất, kinh doanh theo pháp luật chuyên ngành (nếu có).

(Căn cứ Công văn số 9810/BCT-KH ngày 30/11/2018)

4. Quyền Thương mại của Doanh nghiệp FDI: Từ ngày 31/01/2018 Không được xuất tại chỗ hàng kinh doanh theo quyền xuất khẩu

Mặc dù Nghị định 09/2018/NĐ-CP đã gỡ bỏ quy định bắt buộc doanh nghiệp FDI phải xin quyền xuất khẩu khi mua hàng tại Việt Nam để bán cho nước ngoài, tuy nhiên, phải đảm bảo là hàng đó phải xuất ra nước ngoài chứ không giao tại Việt Nam, tức xuất khẩu tại chỗ.

Việc xuất khẩu tại chỗ hiện chỉ chấp nhận đối với hàng do chính doanh nghiệp FDI sản xuất, gia công và máy móc thiết bị phục vụ gia công.

(Căn cứ Công văn số 130/XNK-CN ngày 31/1/2018)

5. Quyền Thương mại của Doanh nghiệp FDI: Từ ngày 19/01/2018 Được nhập khẩu dầu khoáng để sản xuất

Mặt hàng “dầu khoáng” hiện vẫn chưa cho phép doanh nghiệp FDI kinh doanh mua – bán và đây là một trong những mặt hàng mà Việt Nam chưa cam kết mở cửa với WTO (Phụ lục 02 Thông tư 34/2013/TT-BCT).

Tuy nhiên, doanh nghiệp FDI vẫn được quyền nhập khẩu dầu khoáng để phục vụ sản xuất (nếu phù hợp với giấy chứng nhận đầu tư).

Trình tự thủ tục thực hiện theo quy định tại Thông tư 04/2007/TT-BTM.

(Căn cứ Công văn số 74/XNK-CN ngày 19/1/2018)

6. Quyền Thương mại của Doanh nghiệp FDI: Từ ngày 15/01/2018 Mở rộng phạm vi hoạt động thương mại từ năm 2018

Trong số các quyền về hoạt động thương mại và XNK của doanh nghiệp FDI, Nghị định mới số 09/2018/NĐ-CP thay thế cho Nghị định 23/2007/NĐ-CP không bắt buộc phải xin quyền xuất khẩu nếu đã đăng ký theo Luật đầu tư, Luật Doanh nghiệp.

Các quyền khác vẫn còn bị kiểm soát bởi Giấy phép kinh doanh bao gồm:

  • Quyền phân bối bán lẻ
  • Quyền nhập khẩu và quyền phân phối bán buôn đối với mặt hàng dầu, mỡ bôi trơn
  • Quyền phân phối bán lẻ các mặt hàng gạo, đường, vật phẩm ghi hình, sách, báo và tạp chí
  • Cung cấp dịch vụ logistics
  • Cho thuê hàng hóa
  • Cung cấp dịch vụ xúc tiến thương mại
  • Cung cấp dịch vụ trung gian thương mại
  • Cung cấp dịch vụ thương mại điện tử
  • Cung cấp dịch vụ tổ chức đấu thầu hàng hóa

(Căn cứ Điều 5 Nghị định số 09/2018/NĐ-CP ngày 15/1/2018)

7. Quyền Thương mại của Doanh nghiệp FDI: Từ ngày 21/12/2017 Chưa được kinh doanh Tạm nhập – Tái xuất

Tạm nhập – tái xuất là việc nhập khẩu hàng hóa về sau đó xuất khẩu cho đối tác nước ngoài khác theo các hợp đồng nhập khẩu, xuất khẩu riêng biệt (Điều 11 Nghị định 187/2013/NĐ-CP)

Theo Công văn số 6321/BCT-XNK ngày 29/6/2010, doanh nghiệp FDI (gồm cả doanh nghiệp có quyền XNK) chỉ được TN-TX hàng hóa phục vụ cho dự án đầu tư tại Việt Nam, không được kinh doanh dịch vụ TN-TX.

Như vậy, tính đến thời điểm cuối năm 2017, vẫn chưa có chính sách cho phép doanh nghiệp FDI được phép kinh doanh dịch vụ TN-TX

Cần biết thêm là quy chế hoạt động kinh doanh dịch vụ tạm nhập – tái xuất hiện đang được áp dụng theo Thông tư 11/2017/TT-BCT, có hiệu lực từ 11/9/2017.

(Căn cứ Công văn số 3282/GSQL-GQ1 ngày 21/12/2017)

8. Quyền Thương mại của Doanh nghiệp FDI: Từ ngày 19/04/2016 Không được kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa

Theo cam kết của Việt Nam với WTO, quy định tại Nghị định số 23/2007/NĐ-CP và Thông tư số 04/2007/TT-BTM thì doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), kể cả những doanh nghiệp có quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu chỉ được thực hiện hoạt động tạm nhập hàng hóa phục vụ các dự án đầu tư tại Việt Nam, không được tham gia kinh doanh TN-TX hay chuyển khẩu hàng hóa.

Theo đó, trường hợp Công ty là doanh nghiệp FDI thì không được thực hiện hoạt động kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa, bất kể chuyển khẩu qua cửa khẩu Việt Nam hay không qua cửa khẩu Việt Nam.

(Căn cứ Công văn số 316/XNK-TMQT ngày 19/4/2016)

9. Quyền Thương mại của Doanh nghiệp FDI: Từ ngày 07/05/2015 Mua bán theo quyền nhập khẩu phải nộp thuế ngay

Hàng nhập khẩu theo quyền nhập khẩu được xem là hàng kinh doanh thương mại, không được miễn hay ân hạn nộp. Doanh nghiệp FDI cho dù đang được hưởng ưu đãi thuế vẫn phải nộp thuế ngay tại thời điểm nhập khẩu.

Tuy nhiên, sau này, lô hàng nếu tái xuất sang nước thứ ba hoặc xuất vào khu phi thuế quan thì vẫn được xét hoàn thuế nhập khẩu đã nộp.

(Căn cứ Công văn số 4155/TCHQ-TXNK ngày 7/5/2015)

10. Quyền Thương mại của Doanh nghiệp FDI: Từ ngày 04/02/2015 Được phép bảo trì sản phẩm nhập khẩu theo quyền XNK

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng doanh nghiệp FDI mặc nhiên được cung cấp dịch vụ bảo trì và sửa chữa cho các sản phẩm mà mình được phép nhập khẩu và phân phối.

Tuy nhiên, nếu sửa chữa, bảo trì cho các sản phẩm khác không thuộc quyền phân phối thì phải có Giấy ủy quyền của nhà nhập khẩu và phân phối.

(Căn cứ Công văn số 722/BKHĐT-ĐTNN ngày 4/2/2015)

11. Quyền Thương mại của Doanh nghiệp FDI: Từ ngày 07/06/2013 – Cấm thu gom hàng lẻ

Cho dù được cấp quyền xuất khẩu, tức mua hàng tại thị trường Việt Nam để bán ra nước ngoài, nhưng doanh nghiệp FDI chỉ được mua hàng của doanh nghiệp, không được tổ chức mua gom hàng lẻ từ người dân không kinh doanh.

(Căn cứ Điều 3 Thông tư số 08/2013/TT-BCT ngày 22/4/2013)

12. Quyền Thương mại của Doanh nghiệp FDI: Từ ngày 07/06/2013 Có chút ít vốn FDI vẫn bị kiểm soát về hoạt động thương mại

Điều 9 Thông tư số 08/2013/TT-BCT quy định: “Doanh nghiệp trở thành doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa từ hoạt động góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp Việt Nam phải thực hiện theo quy định của Nghị định số 23/2007/NĐ-CP và Thông tư này.”

Quy định trên được hiểu là công ty 100% trong nước nhưng nếu chuyển nhượng hoặc nhận góp vốn của FDI, không phân biệt tỷ lệ bao nhiêu cũng mặc nhiên trở thành doanh nghiệp FDI và nếu có hoạt động mua bán hàng hóa thì phải áp dụng các quy định về quyền XNK, quyền phân phối theo Nghị định 23/2007/NĐ-CP và Thông tư số 08/2013/TT-BCT.

(Căn cứ Thông tư số 08/2013/TT-BCT ngày 22/4/2013)

13. Quyền Thương mại của Doanh nghiệp FDI: Từ ngày 06/06/2013 Quyền XK được phép xuất khẩu hàng có nguồn gốc nhập khẩu

Nếu đã được cấp quyền xuất khẩu, doanh nghiệp FDI được phép xuất khẩu hàng hóa có nguồn gốc nhập khẩu, kể cả hàng hóa do chính mình nhập khẩu. Tuy nhiên, lô hàng (có nguồn gốc nhập khẩu) phải đảm bảo là đã hoàn thành nghĩa vụ thuế.

(Căn cứ Công văn số 205/XNK-CN ngày 6/6/2013)

14. Quyền Thương mại của Doanh nghiệp FDI: Từ ngày 16/08/2012 Được phép mua hàng sản xuất từ nội địa để xuất khẩu

Các doanh nghiệp FDI trong khu chế xuất có thể mua hàng từ nội địa để xuất khẩu, không bị cấm bở quy định về tạm nhập – tái xuất. Tuy nhiên, phải đảm bảo các mặt hàng này có nguồn gốc sản xuất tại Việt Nam chứ không có nguồn gốc nhập khẩu.

(Căn cứ Công văn số 7483/BCT-XNK ngày 16/8/2012)

15. Quyền Thương mại của Doanh nghiệp FDI: Từ ngày 11/03/2007 – Quyền XNK và phân phối – khái niệm chung

Quyền xuất khẩu:

Nếu muốn xuất khẩu hàng không do chính mình sản xuất, ví dụ mua của Công ty A để bán ra nước ngoài chẳng hạn, doanh nghiệp FDI phải xin Bộ Công thương cấp cho quyền xuất khẩu. Khi có quyền này, FDI cũng chỉ được mua hàng của bất kỳ doanh nghiệp nào để xuất khẩu ra nước ngoài, không được phép mua trực tiếp từ người dân, tức không được tổ chức mạng lưới mua gom hàng lẻ tẻ bên ngoài.

Quyền nhập khẩu:

FDI sẽ phải xin quyền nhập khẩu nếu mua hàng từ nước ngoài để bán tại Việt Nam. Nếu không có thêm quyền phân phối, tức quyền được bán buôn bán lẻ đến tay người tiêu dùng, hàng nhập khẩu chỉ được bán cho đối tượng là doanh nghiệp hoặc bán cho FDI khác đã có được quyền phân phối.

Quyền phân phối:

Một doanh nghiệp FDI nếu muốn tham gia thị trường bán lẻ tại Việt Nam sẽ phải xin cấp quyền này. Khi có quyền này, FDI cũng có thể nhượng quyền thương mại, tức cho phép bên thứ ba tổ chức bán hàng theo mô hình của mình, đồng thời gắn liền với nhãn hiệu, biểu tượng và bí quyết kinh doanh của chính mình (xem thêm định nghĩa về nhượng quyền thương mại tại Điều 284 Luật Thương mại số 36/2005/QH11)

(Căn cứ Nghị định số 23/2007/NĐ-CP ngày 12/2/2007)

16. Quyền Thương mại của Doanh nghiệp FDI: Từ ngày 01/01/2006 Cơ sở pháp lý cho việc kiểm soát thương mại của FDI

Nhiều người cho rằng Điều 7 Luật Doanh nghiệp mới số 68/2014/QH13 cho phép doanh nghiệp (sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) sẽ được tự do kinh doanh những ngành, nghề mà luật không cấm đồng thời (tự do) kinh doanh XNK.

Từ sau 1/7/2015, doanh nghiệp FDI cũng được cấp hoặc xin cấp đổi từ Giấy chứng nhận đầu tư sang Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Việc “đổi giấy” như trên dẫn đến ngộ nhận cho rằng quy định mới của Luật Doanh nghiệp mới không còn hạn chế doanh nghiệp FDI về quyền XNK cũng như quyền phân phối.

Kinh doanh XNK là một hoạt động thương mại, chịu sự điều chỉnh bởi Luật Thương mại số 36/2005/QH11 (hiện vẫn còn hiệu lực). Các quy định dưới đây sẽ cho thấy sự kiểm soát hoạt động thương mại của doanh nghiệp FDI:

Điều 21: “Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được xác định theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”.

Khoản 1 Điều 22: “Chính phủ thống nhất quản lý việc cho phép thương nhân nước ngoài hoạt động thương mại tại Việt Nam” (cụ thể hóa tại Nghị định số 23/2007/NĐ-CP ngày 12/02/2007).

Khoản 3 Điều 22: “Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương – NV) chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý việc cấp giấy phép thành lập Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam; thành lập Chi nhánh, doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam trong trường hợp thương nhân đó chuyên thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa theo pháp luật Việt Nam và phù hợp với điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên” (cụ thể hóa tại Thông tư số 08/2013/TT-BCT ngày 22/4/2013).

Từ các quy định trên, cho thấy hoạt động thương mại của doanh nghiệp FDI hiện vẫn đang chịu sự điều chỉnh của Nghị định số 23/2007/NĐ-CP và Thông tư số 08/2013/TT-BCT.

(Căn cứ Luật số 36/2005/QH11 ngày 14/6/2005)

Như vậy là chúng ta đã chia sẽ một số các quy định về Quyền xuất nhập khẩu của Doanh nghiệp FDI.

Cám ơn bạn đã tham khảo bài viết.

Trao đổi từng trường hợp cụ thể, liên hệ ngay Dịch vụ Kế toán – Báo cáo Thuế tin cậy cho Quý Khách.

CÔNG TY TNHH QUẢN LÝ TƯ VẤN THUẾ MAN

Hỗ trợ tư vấn: Lê Hoàng Tuyên – Founder

Phone/ Zalo: (+84) 0903 963 163

Email: man@man.net.vn

Ban biên tập: Man.net.vn

Chúng tôi sử dụng cookie và các công nghệ tracking khác như Google Analytics... để cải thiện trải nghiệm duyệt web của bạn.