Các Quy định về chuyển lỗ như:

  • Chuyển lỗ trong thời gian ưu đãi Thuế?
  • Quy định kết chuyển lỗ năm trước?
  • Cách kết chuyển lỗ 2 năm liên tiếp?
  • Hạch toán Thuế TNDN khi bị lỗ?
  • Doanh nghiệp lỗ có phải nộp Thuế không?
  • Không đăng ký chuyển lỗ có được chuyển lỗ không?
  • Doanh nghiệp lỗ có phải quyết toán Thuế TNDN không?
  • Hạch toán chuyển lỗ? Bút toán chuyển lỗ? Hạch toán kết chuyển lỗ?
  • Phụ lục chuyển lỗ? Cách làm phụ lục chuyển lỗ?
  • Cách chuyển lỗ trên tờ khai quyết toán Thuế TNDN?

… sẽ được tham khảo trong bài viết dưới đây.

Quy định chuyển lỗ sao cho hợp lý

Nếu chuyển lỗ đúng quy định, thu nhập chịu Thuế TNDN của ít nhất 5 năm sau sẽ được giảm trừ. Một khoản lỗ vẫn có thể được xem là “di sản thừa kế”, hoặc có thể “tái bố trí” khi chia tách – sáp nhập và điều quan trọng là cần phải dừng kết chuyển sau 5 lần liên tục.

1. Năm thay đổi năm tài chính được tính là 1 trong số 5 năm chuyển lỗ

Quy định hiện hành chỉ cho phép chuyển lỗ liên tục trong thời hạn 5 năm tính từ năm phát sinh lỗ (Điều 9 Thông tư 78/2014/TT-BTC)

Số năm chuyển lỗ được xác định theo năm tài chính. Do đó, nếu có sự thay đổi về năm tài chính thì năm đầu tiên của khoản lỗ được xác định ngay vào năm chuyển đổi. Tức là, “năm chuyển đổi” sẽ được tính là 1 năm chuyển lỗ.

Giả sử doanh nghiệp quyết định chuyển đổi kỳ tính Thuế vào năm 2017 (đang tính từ 1/1 – 31/12 hàng năm chuyển sang tính từ 1/4 năm trước – 31/3 năm sau) thì số lỗ phát sinh năm 2013 sẽ được chuyển liên tục vào các năm 2014, 2015, 2016, 2017 và năm chuyển đổi 2018 (từ 1/1/2018 – 31/3/2018).

(Căn cứ Công văn số 4952/CT-TTHT ngày 22/5/2019)

2. Lỗ được xác định bằng VND

Ngay cả khi một doanh nghiệp được phép ghi sổ kế toán bằng ngoại tệ thì khi lập báo cáo tài chính phải quy đổi ra VND theo tỷ giá hối đoái do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm khóa sổ kế toán (khoản 1 Điều 11 Luật Kế toán số 03/2003/QH11). Theo đó, các khoản lỗ (nếu có), khi chuyển sang năm sau sẽ phải quy đổi sang VND.

Cần biết thêm là đồng tiền nộp Thuế tại Việt Nam là VND (Luật Quản lý Thuế số 78/2006/QH11 và điểm e khoản 1 Điều 10 Thông tư 156/2013/TT-BTC)

(Căn cứ Công văn số 999/TCT-CS ngày 25/3/2019)

3. Công ty mẹ được “thừa kế” số lỗ của Chi nhánh hạch toán độc lập

Một Chi nhánh hạch toán độc lập (tức kê khai nộp Thuế riêng) nếu sau giải thể còn để lại khoản lỗ theo kiểm tra quyết toán của cơ quan Thuế thì Công ty mẹ được “thừa kế” việc chuyển lỗ cho khoản lỗ này nếu chưa quá 5 năm.

(Căn cứ Công văn số 70486/CT-TTHT ngày 22/10/2018)

4. Nguyên tắc bù trừ lãi lỗ giữa Sản xuất – kinh doanh (SXKD)bất động sản (BĐS)

Nếu có phát sinh lãi – lỗ giữa hoạt động sản xuất – kinh doanh (SXKD) và kinh doanh – chuyển nhượng bất động sản (BĐS) thì lãi lỗ giữa hai hoạt động này được bù trừ theo nguyên tắc sau:

  • Lỗ BĐS được bù trừ với Lãi SXKD
  • Lỗ SXKD không được bù trừ với Lãi BĐS

Hiểu một cách nôm na, nếu BĐS có lãi thì khoản lãi đó sẽ phải nộp đủ Thuế. Ngược lại, nếu SXKD có lãi thì khoản lãi này có thể trang trải cho những lỗ lãi phát sinh từ BĐS. Xem thêm Công văn số 2316/CT-TTHT ngày 17/3/2017 của Cục Thuế TP. HCM

(Căn cứ Công văn số 76801/CT-TTHT ngày 24/11/2017)

5. Được chuyển lỗ vào năm tài chính chuyển đổi

Khi chuyển đổi kỳ tính Thuế từ năm dương lịch sang năm tài chính thì số lỗ của các năm trước vẫn được chuyển lỗ liên tục và toàn bộ vào năm chuyển đổi và các năm tiếp sau, nếu còn trong thời hạn chuyển lỗ 5 năm.

Cần lưu ý, thời hạn chuyển lỗ 5 năm được xác định theo năm tài chính, không xác định theo 60 tháng.

(Căn cứ Công văn số 3667/CT-TTHT ngày 24/4/2017)

6. Công ty mẹ được “thừa kế” khoản lỗ của Chi nhánh đã giải thể

Theo Cục Thuế TP.HCM, Công ty mẹ vẫn được quyền “thừa kế” các khoản lỗ của Chi nhánh (không phân biệt hạch toán độc lập hay phụ thuộc).

Theo đó, số lỗ được “thừa kế” căn cứ theo kết quả kiểm tra quyết toán và cũng phải đảm bảo nguyên tắc chuyển lỗ tối đa không quá 5 năm.

(Căn cứ Công văn số 12436/CT-TTHT ngày 19/12/2016)

7. Số lỗ đã phát sinh trên 5 năm phải ngừng kết chuyển

Lỗ của một năm tài chính chỉ được kết chuyển liên tục trong thời hạn tối đa 5 năm (Khoản 2 Điều 9 Thông tư 78/2014/TT-BTC). Quá hời hạn này, phải dừng kết chuyển.

(Căn cứ Công văn số 10271/CT-TTHT ngày 21/10/2016)

8. Chuyển lỗ: chỉ chấp nhận số lỗ theo kết luận của Thanh tra

Về nguyên tắc, doanh nghiệp tự xác định và kết chuyển số lỗ của năm tài chính.

Tuy nhiên, nếu thanh tra Thuế xác định lại số lỗ không giống như quyết toán thì chỉ được kết chuyển theo số lỗ do thanh tra Thuế “ấn định”.

(Căn cứ Công văn số 6462/CT-TTHT ngày 8/7/2016)

9. Lỗ của BĐS được bù trừ toàn bộ vào lãi của SXKD

Theo quy định tại khoản 2, khoản 4 Điều 16 Thông tư 151/2014/TT-BTC, nếu Công ty không có chức năng kinh doanh BĐS thì thu nhập từ BĐS kê khai theo từng lần chuyển nhượng.

Khoản thu nhập từ chuyển nhượng BĐS thuộc diện không được ưu đãi Thuế. Nếu giá trị chuyển nhượng BĐS bị lỗ thì phải theo dõi riêng, nhưng được bù trừ toàn bộ với lãi của hoạt động SXKD chính, thậm chí nếu bù trừ chưa hết thì vẫn được chuyển lỗ trong thời hạn 5 năm.

(Căn cứ Công văn số 6153/CT-TTHT ngày 30/6/2016)

10. Lỗ phát sinh trước khi tách doanh nghiệp được phân bổ theo tỷ lệ vốn

Khi tách doanh nghiệp, nếu có số lỗ phát sinh trước khi tách thì số lỗ này phải được theo dõi chi tiết theo năm phát sinh.

Nếu còn trong thời gian chuyển lỗ (5 năm) thì được phân bổ cho các doanh nghiệp sau khi tách dựa theo tỷ lệ vốn chủ sở hữu được tách.

(Căn cứ Công văn số 3936/CT-TTHT ngày 29/4/2016)

11. Lãi của BĐS không được bù trừ cho lỗ của SXKD

Mặc dù lỗ của BĐS được bù trừ với lãi của SXKD (điểm b khoản 4 Điều 16 Thông tư 151/2014/TT-BTC và Công văn số 6153/CT-TTHT ngày 30/6/2016). Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, lãi của BĐS không được bù trừ với lỗ của SXKD.

Cần lưu ý thêm, đối với doanh nghiệp không có chức năng kinh doanh BĐS, khi chuyển nhượng BĐS, phải kê khai nộp Thuế TNDN từng lần phát sinh chuyển nhượng theo mẫu 02/TNDN và phải quyết toán riêng số Thuế TNDN từ chuyển nhượng BĐS theo Phụ lục 03-5/TNDN.

(Căn cứ Công văn số 3204/CT-TTHT ngày 12/4/2016)

12. Lỗ phát sinh trước khi hợp nhất được xử lý như thế nào?

Khi hợp nhất, nếu hai Công ty trước hợp nhất bị lỗ thì số lỗ này phải được theo dõi chi tiết theo năm phát sinh và bù trừ vào thu nhập cùng năm của Công ty sau khi hợp nhất hoặc được tiếp tục chuyển vào thu nhập của các năm tiếp theo của Công ty sau khi hợp nhất để đảm bảo nguyên tắc chuyển lỗ tính liên tục không quá 05 năm, kể từ năm tiếp sau năm phát sinh lỗ (tham khảo Điều 7 Thông tư số 96/2015/TT-BTC).

(Căn cứ Công văn số 1636/CT-TTHT ngày 25/2/2016)

13. Có được chuyển lỗ từ doanh nghiệp bị sáp nhập?

Theo Tổng cục Thuế, trường hợp doanh nghiệp bị sáp nhập chưa chuyển hết lỗ và vẫn còn trong thời hạn chuyển lỗ (tức chưa quá 05 năm) thì doanh nghiệp nhận sáp nhập được kế thừa và được tiếp tục kết chuyển số lỗ này.

Tuy nhiên, phải đảm bảo nguyên tắc chuyển lỗ quy định tại khoản 9 Điều 18 Thông tư 78/2014/TT-BTC như sau:

  • Ưu tiên chuyển lỗ vào thu nhập của chính đơn vị bị sáp nhập trước, số còn lại mới chuyển tiếp vào thu nhập của đơn vị nhận sáp nhập.
  • Ưu tiên chuyển lỗ vào thu nhập được ưu đãi Thuế TNDN trước, số còn lại mới chuyển tiếp vào thu nhập không được ưu đãi.
  • Không chuyển lỗ vào thu nhập từ các hoạt động sau: chuyển nhượng BĐS, chuyển nhượng dự án đầu tư; chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư; chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác khoáng sản.

(Căn cứ Công văn số 97/TCT-CS ngày 8/1/2016)

14. Tạm chuyển lỗ theo quý phải xác định được thu nhập của từng quý

Mặc dù Thông tư 78/2014/TT-BTC cho phép tạm chuyển lỗ vào thu nhập của các quý, sau đó kết chuyển chính thức khi quyết toán năm.

Tuy nhiên, để được (tạm) chuyển lỗ theo quý, phải xác định được thu nhập chịu Thuế của từng quý. Trường hợp không thể xác định được hì phải chờ đến khi quyết toán năm.

(Căn cứ Công văn số 4353/TCT-CS ngày 19/10/2015)

15. Khoản nợ được xóa phải bừ với lỗ

Nếu được xóa một khoản nợ, trị giá khoản nợ phải bù trừ vào số lỗ hiện hữu (nếu có). Phần còn thừa (nếu có) sẽ phải chịu Thuế TNDN.

(Căn cứ Công văn số 10118/CT-TTHT ngày 24/11/2014)

16. Lãi từ dự án đầu tư ra nước ngoài được phép bù trừ lỗ

Theo Tổng cục Thuế, khoản thu nhập phát sinh từ dự án đầu tư ra nước ngoài thì được xem là “Thu nhập khác”. Khoản thu nhập này được phép bù trừ với số lỗ của hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước hoặc hoạt động kinh doanh ở nước ngoài.

(Căn cứ Công văn số 3595/TCT-DNL ngày 26/8/2014)

17. Thời hạn được chuyển lỗ tối đa 5 năm

Đây là nguyên tắc chung cho việc chuyển lỗ heo quy định tại tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định 218/2013/NĐ-CP.

Khi kết quả kinh doanh bị lỗ, số lỗ này được chuyển vào thu nhập chịu Thuế của năm sau. Nếu năm sau vẫn chưa bù trừ hết thì tiếp tục cho 4 năm tiếp theo nữa. Tóm lại, một khoản lỗ sẽ được kết chuyển liên tục và tối đa không quá 5 lần quyết toán huế TNDN.

(Căn cứ Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013)

18. Phải bù trừ hết lỗ mới được chuyển lợi nhuận ra nước ngoài

Một doanh nghiệp FDI (vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) phải đảm bảo đã hết lỗ trên Quyết toán Thuế TNDN và Báo cáo tài chính (có kiểm toán) thì mới được phép chuyển lợi nhuận ra nước ngoài.

Điều này có nghĩa, nếu vẫn còn một khoản lỗ dự tính kết chuyển cho năm sau thì lợi nhuận của năm nay (nếu có) không được phép chuyển ra nước ngoài.

(Căn cứ Thông tư số 186/2010/TT-BTC ngày 18/11/2010)

CÔNG TY TNHH QUẢN LÝ TƯ VẤN Thuế MAN

  • Hỗ trợ tư vấn: Nguyễn Thị Kim Ngân – Director
  • Phone/ Zalo: 0903 428 622
  • Email: ngannguyen.pp@gmail.com

Ban biên tập: Man.net.vn

Chúng tôi sử dụng cookie và các công nghệ tracking khác như Google Analytics... để cải thiện trải nghiệm duyệt web của bạn.