Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài là loại giấy tờ pháp lý vô cùng cần thiết để nhà đầu tư có thể thực hiện các hoạt động như thanh toán mua lại một phần hay toàn bộ cơ sở kinh doanh, chuyển vốn, xác lập quyền sở hữu để tiến hành đầu tư kinh doanh ngoài phạm vi lãnh thổ Việt Nam… Sau đây MAN – Master Accountant Network sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cần biết về thủ tục xin giấy phép đầu tư ra nước ngoài.

Thông tin chung về giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài

Trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa phát triển ngày càng mạnh mẽ như hiện nay, các hoạt động đầu tư ra nước ngoài cũng được Nhà nước Việt Nam khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để triển khai. Tuy nhiên để làm được điều này thì trước hết nhà đầu tư cần xin giấy phép đầu tư ra nước ngoài.

Khái niệm giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài

Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài là một loại văn bản dưới dạng điện tử hoặc bản giấy, trong đó cung cấp đầy đủ thông tin đăng ký về dự án đầu tư tại nước ngoài của nhà đầu tư Việt Nam.

Thông tin chung về giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài

Quy định pháp luật liên quan giấy phép đầu tư ra nước ngoài

Thủ tục xin GCN đăng ký đầu tư ra nước ngoài dựa trên các quy định sau đây:

  • Luật Đầu tư số 67 ngày 26 tháng 11 năm 2015;
  • Nghị định 83/2015/NĐ-CP ngày 25/9/2015 của Chính phủ quy định về đầu tư ra nước ngoài;
  • Thông tư số 03/2018/TT-BKHĐT ngày 17/10/2018 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn và ban hành mẫu văn bản thực hiện thủ tục đầu tư ra nước ngoài.

Nội dung cơ bản trong giấy phép đầu tư ra nước ngoài

Theo Luật đầu tư 2020 thì giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài sẽ bao gồm những nội dung cơ bản sau đây:

  • Mã số dự án đầu tư;
  • Nhà đầu tư;
  • Tên dự án đầu tư và tên của tổ chức kinh tế tại nước ngoài (nếu có);
  • Địa điểm, mục tiêu đầu tư;
  • Hình thức đầu tư; vốn, nguồn vốn và hình thức vốn đầu tư; tiến độ triển khai hoạt động đầu tư ra nước ngoài;
  • Quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư;
  • Ưu đãi và hỗ trợ đầu tư (nếu có).

Cơ quan thẩm quyền được cấp giấy chứng nhận

Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài được tiếp nhận, xử lý và được cấp bởi Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Cơ quan thẩm quyền được cấp giấy chứng nhận

Điều kiện để chủ doanh nghiệp chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài

Nếu muốn được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài thì dự án đầu tư và nhà đầu tư Việt Nam cần thỏa mãn những tiêu chí sau đây:

  • Nhà đầu tư chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài cần thực hiện đúng những quy định của Luật đầu tư và các quy định pháp luật khác có liên quan, quy định pháp luật của quốc gia và vùng lãnh thổ tiếp nhận vốn đầu tư (sau đây gọi là nước tiếp nhận đầu tư) cũng như những điều ước quốc tế có liên quan; chịu mọi trách nhiệm về hiệu quả của hoạt động đầu tư ra nước ngoài.
  • Dự án không nằm trong danh mục các ngành nghề cấm đầu tư ở nước ngoài và phải đáp ứng điều kiện đầu tư ra nước ngoài đối với ngành nghề đầu tư ra nước ngoài có điều kiện.
  • Nhà đầu tư có cam kết tự chuẩn bị ngoại tệ hoặc có cam kết chuẩn bị ngoại tệ để tiến hành đầu tư ra nước ngoài của tổ chức tín dụng được phép.
  • Có quyết định đầu tư ra nước ngoài.
  • Có văn bản chứng minh nhà đầu tư đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, được xác nhận bởi cơ quan thuế (không quá 03 tháng tính từ thời điểm xác nhận đến ngày nộp hồ sơ dự án đầu tư).

Hồ sơ dùng để đăng ký xin giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài

Để xin giấy phép đầu tư ra nước ngoài, nhà đầu tư cần chuẩn bị hồ sơ với đầy đủ các loại giấy tờ sau đây:

  • Văn bản đăng ký đầu tư ra nước ngoài;
  • Bản sao hộ chiếu hoặc CCCD/CMND nếu là nhà đầu tư cá nhân; bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc các tài liệu tương đương khác chứng minh tư cách pháp lý nếu nhà đầu tư là doanh nghiệp, tổ chức;
  • Đề xuất dự án đầu tư;
  • Văn bản của cơ quan thuế xác nhận nhà đầu tư đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế tính đến thời điểm nộp hồ sơ dự án đầu tư;
  • Văn bản của tổ chức tín dụng được phép cam kết thu xếp ngoại tệ cho nhà đầu tư hoặc Văn bản Cam kết tự cân đối nguồn ngoại tệ;
  • Tài liệu chứng minh địa điểm thực hiện dự án, bắt buộc với các dự án gồm: Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh bất động sản, cơ sở hạ tầng; Dự án đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất, chế biến, chế tạo; Dự án đầu tư trong lĩnh vực khảo sát, thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản; Dự án nuôi, trồng, đánh bắt, chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy hải sản; Dự án năng lượng. Những tài liệu này có thể là Hợp đồng trúng thầu, thầu khoán hoặc hợp đồng giao đất; Giấy phép đầu tư hoặc tài liệu tương tự của quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư; Hợp đồng hợp tác đầu tư, kinh doanh, trong đó chỉ rõ địa điểm, quy mô sử dụng đất…;
  • Quyết định đầu tư ra nước ngoài;
  • Nhà đầu tư nộp thêm văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến việc đáp ứng điều kiện đầu tư ra nước ngoài theo Luật kinh doanh bảo hiểm, Luật khoa học và công nghệ, Luật chứng khoán, Luật các tổ chức tín dụng (Đối với những dự án đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, bảo hiểm, chứng khoán, ngân hàng);
  • Văn bản ủy quyền cho đơn vị nộp hồ sơ.

Hồ sơ dùng để đăng ký xin giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài

Hướng dẫn trình tự, thủ tục đăng ký xin giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài chi tiết

Thủ tục, quy trình cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài bao gồm các bước sau đây:

Bước 1: Nhà đầu tư chuẩn bị đầy đủ hồ sơ đúng quy định.

Bước 2: Nhà đầu tư nộp hồ sơ xin GCN đầu tư ra nước ngoài tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Bước 3: Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiến hành thẩm định, xác minh hồ sơ xin chứng nhận:

  • Trong vòng 03 ngày làm việc (tính từ ngày tiếp nhận hồ sơ dự án đầu tư), Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ gửi hồ sơ để lấy ý kiến thẩm định của cơ quan nhà nước có liên quan.
  • Trong vòng 15 ngày tính từ ngày tiếp nhận hồ sơ dự án đầu tư, cơ quan nhà nước được yêu cầu lấy ý kiến thẩm định sẽ đưa ra ý kiến về các nội dung mà mình quản lý.
  • Nếu là dự án cần đến quyết định chủ trương đầu tư từ Chính phủ, trong vòng 30 ngày tính từ thời điểm tiếp nhận hồ sơ dự án đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiến hành thẩm định và lập báo cáo thẩm định để trình lên Thủ tướng Chính phủ.
  • Nếu là dự án cần đến quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, trong vòng 05 ngày Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần báo cáo về việc thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước lên Thủ tướng Chính phủ. Hội đồng thẩm định nhà nước sẽ tiến hành thẩm định và lập báo cáo thẩm định (trong thời gian 90 ngày làm việc) và Chính phủ sẽ gửi tới cơ quan chủ trì thẩm tra của Quốc hội Hồ sơ quyết định chủ trương đầu tư ra nước ngoài (60 ngày trước khai mạc kỳ họp Quốc hội).

Hướng dẫn trình tự, thủ tục đăng ký xin giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài chi tiết

Bước 4: Đồng ý hoặc từ chối cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài (nếu từ chối thì cần nêu lý do bằng văn bản).

Bước 5: Đăng ký giao dịch ngoại hối để chuyển tiền đầu tư ra nước ngoài.

Sau khi nhận được giấy phép đầu tư ra nước ngoài, nhà đầu tư cần đăng ký giao dịch ngoại hối với Ngân hàng nhà nước để có thể chuyển vốn, ngoại tệ ra nước ngoài.

Lưu ý quan trọng khi triển khai hoạt động đầu tư ở nước ngoài

Khi tiến hành hoạt động đầu tư ra nước ngoài, có một số lưu ý quan trọng mà nhà đầu tư không thể bỏ qua như sau:

Làm gì triển khai thực hiện dự án sau khi xin giấy chứng nhận đầu ra nước ngoài thành công?

Sau khi đã nhận được GCN đăng ký đầu tư ra nước ngoài, nhà đầu tư sẽ phải thực hiện thủ tục chuyển tiền ra nước ngoài. Cụ thể, nhà đầu tư cần mở 01 tài khoản vốn đầu tư bằng 01 loại ngoại tệ cần được sử dụng để đầu tư ra nước ngoài tại 01 tổ chức tín dụng được phép. Sau đó đăng ký giao dịch ngoại hối với Ngân hàng Nhà nước về hoạt động chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài.

  • Nếu sử dụng tiền tệ là Việt Nam đồng, nhà đầu tư có thể mở và sử dụng cùng lúc 01 tài khoản vốn đầu tư bằng ngoại tệ và 01 tài khoản vốn đầu tư bằng Việt Nam đồng.
  • Nếu tham gia vào nhiều dự án đầu tư tại nước ngoài, doanh nghiệp cần mở 01 tài khoản vốn đầu tư riêng đối với mỗi dự án.
  • Nếu có nhiều nhà đầu tư cùng tham gia vào một dự án đầu tư ở nước ngoài thì mỗi nhà đầu tư cần mở 01 tài khoản vốn đầu tư riêng và chuyển vốn ra nước ngoài không vượt quá tỷ lệ phần trăm vốn cổ phần và phạm vi tổng vốn đầu tư.

Lưu ý quan trọng khi triển khai hoạt động đầu tư ở nước ngoài

Trường hợp cấp lại giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra ngoài nước

Nhà đầu tư có thể yêu cầu cấp lại GCN đăng ký đầu tư ra nước ngoài trong trường hợp GCN bị hỏng, rách, nát, cháy hoặc bị mất do các nguyên nhân khác nhau. Khi đó nhà đầu tư cần gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư văn bản đề nghị cấp lại GCN để được xem xét cấp lại.

Như vậy có thể thấy để triển khai hoạt động chuyển vốn ra nước ngoài đầu tư thì trước hết nhà đầu tư phải được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài. Nếu có nhu cầu đăng ký giấy chứng nhận, bạn có thể liên hệ đường dây nóng của MAN – Master Accountant Network để được trợ giúp tốt nhất.

Ban biên tập: MAN – Master Accountant Network

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chúng tôi sử dụng cookie và các công nghệ tracking khác như Google Analytics... để cải thiện trải nghiệm duyệt web của bạn.